Chưa đến Tết, thịt heo có loại lên 240.000 đồng/kg, người tiêu dùng nghĩ đến việc tự trữ đông
Giá thịt heo tăng cao, người tiêu dùng nghĩ đến việc tự trữ đông
Cập nhật mới nhất hôm nay (22/11) giá heo hơi tại miền Bắc đang cao nhất cả nước, giao động quanh mức 73.000 - 78.000 đồng/kg.
Khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá cũng lập đỉnh mới, dao động 63.000 – 76.000 đồng/kg. Còn các tỉnh phía Nam, heo hơi đang ở mức 68.000 - 73.000 đồng/kg.
Theo đó, giá thịt heo bán tại các chợ dân sinh cũng tăng vọt, dao động quanh mức 80.000 - 240.000 đồng/kg đối với ba chỉ và sườn non. Riêng các loại nạc đùi, xương ống, chân giò giá dao động trong khoảng 80.000 - 160.000 đồng/kg.
Cụ thể, theo một số tiểu thương tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Xóm mới (quận Gò Vấp)..., giá thịt nạc những ngày đầu tháng 11 chỉ khoảng 80.000 - 100.000 đồng/kg thì nay (khảo sát ngày 21/11) lên 110.000 - 140.000 đồng/kg, ba rọi và các loại khác cũng tăng lên từ 150.000 - 240.000 đồng/kg.
Ba rọi rút xương hơn 170.000 đồng/kg, thịt đùi 110 - 120.000 đồng/kg; giá sườn non đã lên đến đỉnh điểm từ 170 - 190.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng khá e dè khi thịt heo tăng giá dữ dội như hiện nay. Ảnh: NH.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, giá thịt heo đã tăng 18,64% vượt cả dự báo từ đầu năm 2019, nhất là xuất hiện tình hình phức tạp về đầu cơ thịt heo.
Một bộ phận thương lái, đầu nậu liên kết với cơ sở chăn nuôi găm hàng và đẩy giá lên cao so với thực tế, dẫn tới người sản xuất không được lợi mấy, chỉ nhóm trung gian được lợi.
Dự báo từ nay đến tháng cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nguồn cung thịt các tháng cuối năm thiếu khoảng 200.000 tấn (tương đương mỗi tháng thiếu 70.000 tấn thịt hơi).
"Cũng có nghe thông tin thịt heo tăng giá do dịch tả heo làm chết nhiều heo nhưng không nghĩ giá tăng cao như vậy, nên khi đi chợ tôi cũng lưỡng lự để chọn mua", một bà nội trợ chia sẻ.
Theo các tiểu thương giá thịt heo leo thang bắt đầu từ tháng 10 khi giá heo ở chợ đầu mối tăng trong khi sức mua của các bà nội trợ mạnh mẽ.
Ngoài ra có ý kiến cho rằng đang có hiện tượng thương lái thổi giá, người chăn nuôi găm hàng khiến thị trường sốt giá. Thương lái không mua được heo từ hộ chăn nuôi, phải mua lại từ thương lái khác nên giá lại tiếp tục lên cao.
Giá thịt heo tại các siêu thị dù được bình ổn nhưng cũng đã tăng hơn trước. Ảnh: NH.
Không chỉ chợ truyền thống, tại một số hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, giá thịt heo thành phẩm cũng tăng chóng mặt.
Khảo sát tại một số cửa hàng tiện lợi của Satra, Co.op... cho thấy, sườn non cao nhất với giá 220.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn hơn 210.000 đồng/kg, giò heo rút xương 150.000 đồng/kg, thịt đùi heo được bán với giá 120.000 đồng/kg…
Có thể thấy, sau nhiều ngày heo hơi ồ ạt tăng giá, sức nóng của thị trường thịt heo đang khiến người tiêu dùng ngày càng lo lắng.
Chị Phương Dung (quận Gò Vấp) chia sẻ: "Thông thường số tiền chi cho việc mua thức ăn mỗi ngày khoảng 120.000 - 150.000 đồng thì những ngày gần đây tôi đi chợ mất 180.000 - 200.000 đồng, trong đó, khẩu phần thịt heo cũng không nhiều như trước".
"Với tình hình tăng giá như vậy, cộng thêm việc ngày Tết sắp đến giá thịt heo không biết còn tăng thêm bao nhiêu nữa, có khi tôi phải mua trữ đông từ giờ cho đỡ chịu giá cao", chị Nhi đang đi siêu thị cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều hàng quán ăn cũng tăng giá bán các món liên quan đến thịt heo như cơm sườn tăng thêm 2.000 - 5.000 đồng cho mỗi dĩa.
Nhiều loại thực phẩm khác tăng theo
Giá thịt heo tăng cao khiến người tiêu dùng phải "thắt chặt" túi tiền hoặc chuyển sang thực phẩm khác để thay thế. Tuy nhiên, thực tế, các loại thực phẩm khác như thịt heo, thịt gà, hải sản... cũng được dịp tăng theo dù không khan hiếm nguồn cung như thịt heo.
Một tiểu thương bán thịt bò tại chợ Gò Vấp cho biết, hơn tuần nay mỗi kg thịt bò đã tăng thêm 10.000 đồng. Theo đó, phi lê bò nội 280.000 đồng lên 290.000 đồng/kg, bò đùi 250.000 đồng, bò gân 210.000 đồng...
Nguyên nhân khiến giá bò tăng là nhiều người tiêu dùng giảm sử dụng thịt heo và chuyển sang mua thịt bò nhiều hơn. Mặt khác, với nhu cầu tháng gần Tết tăng cao đẩy giá thịt bò đi lên.
Cùng với mặt hàng thịt bò, một số loại thủy hải sản cũng tăng giá nhẹ kể từ khi giá thịt heo tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng thủy hải sản tăng cao đã đẩy giá tăng theo.
Cụ thể, cá điêu hồng tăng 5.000 đồng lên 60.000 - 65.000/kg, mực ống từ 250.000 - 280.000 đồng/kg tùy loại, mực nang 280.000 - 300.000 đồng/kg
Ngoài ra việc một số sản phẩm tôm, mực đang được mua nhiều hơn để chế biến các sản phẩm phục vụ mùa Tết, khiến nguồn cung giảm cũng là nguyên nhân đang khiến các loại thực phẩm này tăng giá.
Giá thịt heo tăng, người tiêu dùng chuyển sang ăn hải sản nhiều hơn nhưng vẫn không thay thế hoàn toàn cho thịt heo. Ảnh: NH
Bên cạnh đó, sự tăng đột biến giá heo hơi và heo bán lẻ cũng đang khiến các sản phẩm chế biến từ thịt heo cũng tăng giá. Cụ thể, giò lụa loại 1 tăng từ 150.000 đồng/kg lên hơn 200.000 đồng/kg, lạp xưởng, chà bông tăng khoảng 20.000 - 50.000 đồng.
Tuy nhiên, với thói quen sử dụng thịt heo của người tiêu dùng Việt nên dù giá thịt heo vẫn tăng từng ngày thì loại thực phẩm truyền thống này vẫn khó được thay thế hoàn toàn bằng những sản phẩm khác.
"Thịt heo là loại thịt dễ chế biến và được cả nhà yêu thích tôi yêu thích nên dù có đổi sang ăn thịt bò, hải sản hay thịt gà thì cũng chỉ là ít ngày. Gia đình tôi cũng sẽ mua thịt heo nhưng có lẽ ít lại để đảm bảo tiền chợ hàng ngày vẫn đủ", chị Nhi nói.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Nông nghiệp nhanh chóng công bố tình trạng và đưa ra các giải pháp đáp ứng cung - cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp lễ, Tết khi nhu cầu thịt heo tăng từ 25 - 30%/ngày.
Bộ phải dự đoán nhu cầu thịt heo và nguồn cung của từng tháng từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Tý, báo cáo Chính phủ kế hoạch để bù đắp nguồn cung và không để dư thừa nguồn cung trong thời gian tới.
Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương tính toán từng tháng, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ nước ngoài, bảo đảm cung - cầu thịt heo trong nước. Việc nhập khẩu thịt heo làm sao phải vừa đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng, nhưng không ảnh hưởng đến người sản xuất.