Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Cổ phiếu ROS, FLC có thể giao dịch trở lại nếu doanh nghiệp khắc phục được sai phạm
Trả lời về quyền lợi của nhà đầu tư trong vụ việc cổ phiếu ROS củaCTCP Xây dựng FLC Faros bị huỷ niêm yết và các cổ phiếu họ FLC đang đứng trước nguy cơ huỷ niêm yết, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, cổ phiếu ROS và FLC hiện đang gặp nhiều thiếu sót, vi phạm dẫn đến việc bị huỷ niêm yết, đình chỉ giao dịch.
"Khi cổ phiếu bị huỷ giao dịch thì chắc chắn quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng và cổ phiếu chỉ được giao dịch trở lại khi các doanh nghiệp khắc phục được những vấn đề vi phạm", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.
Trong đó, FLC cần có báo cáo kiểm toán năm 2021, báo cáo kiểm toán 6 tháng đầu năm 2022, tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) và có nguyện vọng quay trở lại giao dịch. Với cổ phiếu ROS, hiện doanh nghiệp này cũng không có báo cáo kiểm toán và không tổ chức ĐHĐCĐ nên bị huỷ niêm yết.
Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng để đảm bảo quyền lợi của mình, các nhà đầu tư phải có ý kiến, quyết sách tại ĐHĐCĐ để doanh nghiệp sớm khắc phục các thiếu sót, vi phạm để quay trở lại giao dịch.
Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý trong vụ việc nâng khống vốn điều lệ của ROS, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, vụ việc này hiện đang trong quá trình điều tra của Bộ Công an. Do đó, khi Bộ Công an ban hành kết luận điều tra, Bộ Tài chính sẽ hợp tác xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có sai phạm.
Ngày 5/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 02 để chỉ đạo, chấn chỉnh toàn bộ các vấn đề của thị trường chứng khoán như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cảnh báo sớm hoạt động bất thường của các tài khoản giao dịch, các nhóm tài khoản có dấu hiệu liên kết,giám sát hoạt động của các công ty thành viên thị trường,...
Với công tác hoàn thiện cơ sở pháp lý, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giao các đơn vị liên quan thuộc Bộ khẩn trương rà soát tổng thể Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với sự phát triển của thị trường, hạn chế nguy cơ gây mất an ninh, an toàn thị trường, bảo vệ doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đồng thời, rà soát các quy định về phát hành chứng khoán riêng lẻ tại Luật Doanh nghiệp để kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; rà soát, tham mưu nâng cao điều kiện thành lập quỹ tài chính.
Với công tác giám sát, Bộ trưởng giao Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, và các Sở GDCK tăng cường công tác giám sát thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh; giám sát chặt chẽ các mã chứng khoán có thanh khoản lớn, diễn biến bất thường, tăng giảm liên tiếp, đột biến, giá trị cổ phiếu không phù hợp với hình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra xử lý quỹ đầu tư trái phép, quỹ không hoạt động để rút giấy phép và xử lý theo quy định của pháp luật.,...
Với hoạt động mua bán cổ phiếu, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan quản lý chủ động theo dõi chặt chẽ các tài khoản có dấu hiệu bất thường, cùng thời điểm liên tục mua vào bán ra tạo thanh khoản ảo, đẩy giá trục lợi. Khẩn trương báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính để phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an để xử lý, trường hợp cần thiết đề nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giám sát dòng tiền, đặc biệt là việc rút tiền, chuyển tiền số lượng lớn.