|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thứ trưởng KH&ĐT nói về mục tiêu phát triển 'thành phố tài chính quốc tế' tại TP HCM

09:44 | 23/11/2022
Chia sẻ
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong tương lai sẽ phát triển một thành phố tài chính tại TP HCM theo mô hình "thành phố trong thành phố" như TP Thủ Đức. Thành phố này sẽ có các yếu tố kinh tế vượt trội, hiện đại, có giá trị gia tăng cao hơn bất kỳ quận, huyện hay thành phố nào khác trên cả nước.

Thông tin về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW với mục tiêu phát triển vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, điểm nhấn của vùng Đông Nam Bộ sẽ là TP HCM với việc xây dựng một thành phố tài chính quốc tế, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả khu vực.

Phát triển thành phố tài chính quốc tế tại TP HCM

Thứ trưởng Phương cho biết, ý tưởng và định hướng đưa TP HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính quốc tế đã được nêu trong các Nghị quyết trước đây, TP HCM mang vai trò không chỉ thu hút các nguồn lực mà còn điều hoà, điều phối các nguồn lực trong nước. 

TP HCM được định hướng xây dựng trở thành trung tâm tài chính quốc tế tương tự như Singapore chẳng hạn. Để đạt được mục tiêu này, cần chọn vị trí thuận lợi nhất của thành phố để xây dựng thành trung tâm tài chính quốc tế.

Hiện tại, TP HCM đã có cơ chế đặc thù phát triển "thành phố trong thành phố" như TP Thủ Đức, việc trong tương lai phát triển một thành phố tài chính tại TP HCM là mục tiêu quan trọng.

Trung tâm này sẽ không chỉ có hoạt động về tài chính mà còn có các yếu tố về con người, dịch vụ xã hội, thương mại,..tựu trung là yếu tố vượt trội, hiện đại có giá trị gia tăng cao hơn bất kỳ quận, huyện hay thành phố nào khác trên cả nước.

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: Bộ KH&ĐT).

Đặc biệt, TP HCM sẽ trở thành nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc. Địa phương này sẽ gánh vác trách nhiệm một trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng.

Việc xây dựng trung tâm này vẫn bám theo chủ trương lớn của Nhà nước về xây dựng nguồn lực. Đó là kết hợp cả nguồn lực công và nguồn lực tư. Tuy nhiên, với một trung tâm tài chính thì tỷ trọng nguồn lực tư nhân sẽ lớn hơn. Còn lại một số hạ tầng cơ bản sẽ huy động từ nguồn lực của Nhà nước để đảm bảo yếu tố về quy mô cũng như chất lượng.

Với công tác quản lý, về thể chế hay các cơ quan tổ chức sẽ được nghiên cứu để hình thành lên bộ máy đảm bảo áp ứng yêu cầu của một khu vực rất năng động, hiện đại, không giống với địa bàn nào khác trong vùng.

Trên thế giới, các mô hình trung tâm tài chính, kinh tế đặc thù như phố Wall hay Thung lũng Silicon đều có công tác tổ chức xã hội rất đặc biệt. Do đó, cần có nghiên cứu để tổ chức một cách hợp lý nhất, tạo động lực cho khu vực này phát triển cũng như tạo hình ảnh, thương hiệu của khu vực.

Nâng cao hơn nữa động lực phát triển khu vực Đông Nam Bộ

Thứ trưởng Phương cũng chia sẻ thêm rằng, thách thức lớn nhất trong việc phát triển vùng Đông Nam Bộ là làm sao thúc đẩy vai trò động lực của khu vực này mà không làm chững lại tốc độ tăng trưởng của vùng.

Vùng Đông Nam Bộ phát triển trước các vùng khác rất nhiều, đây là khu vực động lực quan trọng và lớn nhất của cả nước, đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng GDP. Với vị trí số một như vậy, trong tương lai không những phải duy trì vai trò này và còn phải nâng cao hơn nữa đà tăng trưởng.

Để làm được điều này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW;

Phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng; Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; 

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. 

Ngoài ra, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Hội nghị ngày 21/11 tới đây sẽ góp phần quan trọng tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị và đổi mới tư duy của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, từ đó tạo sự thống nhất trong hành động, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Dự kiến, tại hội nghị sẽ diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/