|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thứ quyền lực 'độc tài và lâu dài' của Mark Zuckerberg bị Elon Musk mỉa mai gây ra rủi ro gì với Facebook?

09:15 | 19/04/2022
Chia sẻ
Việc nắm giữ quyền lực tập trung vào một cá nhân đôi khi có lợi, nhưng cũng sẽ trở thành con dao hai lưỡi khiến doanh nghiệp chững lại.

Quyền lực của tỷ phú Mark Zuckerberg tại Meta (hay trước đây có tên Facebook) là điều không ai có thể phủ nhận, song không phải ai cũng ủng hộ điều này, điển hình như tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk.

Vừa qua, xuất hiện trong một buổi phỏng vấn ở Vancouver, British Columbia, khi được hỏi về việc liệu vị thế người giàu nhất và một trong những người có ảnh hưởng hàng đầu của nền tảng có thể gây ra xung đột lợi ích hay không, CEO Tesla đã không ngần ngại đá xoáy một ông trùm mạng xã hội khác, đó không ai khác ngoài tỷ phú Mark Zuckerberg.

"Về thứ được gọi là quyền sở hữu truyền thông, các bạn rõ ràng đã có Mark Zuckerberg, người sở hữu Facebook, Instagram và WhatsApp. Với cơ cấu sở hữu cổ phần hiện có, “Mark Zukerberg thứ 14” vẫn sẽ kiểm soát tất cả công ty trên. Điều như vậy sẽ không có ở Twitter”, tỷ phú Elon Musk vừa chia sẻ vừa cười một cách mỉa mai.

Tuyên bố của Elon Musk có thể đề cập đến triều đại cai trị dài trong nhiều năm của Mark Zuckerberg hoặc có thể là ám chỉ đến Vua Louis XIV, người đã trị vì nước Pháp hơn 72 năm và được biết đến là vị vua trị vì lâu nhất.

CEO Tesla cũng đề cập đến thành trì của Zuckerberg trên Meta, công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp. Người sáng lập Facebook nắm giữ 55% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty, có nghĩa là về cơ bản Zuckerberg có quyền phủ quyết hoàn toàn đối với các cổ đông khác khi nói đến tương lai của công ty.

Cách cai trị Facebook của Mark Zuckerberg bị Elon Musk mỉa mai. (Ảnh: The Indian Express).

Thực tế, Elon Musk không phải người đầu tiêm châm biếm cách cai trị lâu dài của tỷ phú Mark Zuckerberg tại Meta.

Theo Business Insider, ông chủ Meta là nhân vật chủ chốt, có tiếng nói cuối cùng trong việc đưa ra các quyết định quan trọng của doanh nghiệp. Whitney Tilson, CEO Empire Financial Research từng nhận định: “Không có gì quá đáng khi nói Mark Zuckerberg là người quyền lực nhất bước đi trên mặt đất, và tôi nghĩ quyền lực chỉ tập trung vào một người không phải ý hay”.

Thực tế, việc một nhà sáng lập nắm giữ phần lớn quyền lực không phải chuyện hiếm, đặc biệt trong thế giới công nghệ. Tiêu biểu như hai nhà sáng lập Sergey Brin và Larry Page, dù đã rời ghế CEO Google từ năm 2019, song vẫn giữ phần lớn quyền biểu quyết.

Phó giáo sư Chris Heynes của Đại học New Haven, Mỹ nhận định rằng việc trao quyền kiểm soát cho một người duy nhất có thể là lợi thế giúp công ty phát triển nhanh hơn vì người đứng đầu không phải thông qua ý kiến từ các thành viên trong hội đồng quản trị để đưa ra quyết định, qua đó có thể tập trung vào dài hạn và tránh phải chịu các áp lực ngắn hạn.

Tuy nhiên, cách thức này cũng có hai mặt. Quyền lực tập trung vào một người sẽ khiến công ty chững lại ở một thời điểm nào đó, và đó chính xác là những gì Meta dã trải qua trong thời gian gần đây. Các nhà đầu tư coi Mark Zuckerberg như “rủi ro tiềm tàng”, có thể gây thiệt hại cho các khoản đầu tư của họ.

Thậm chí, những công ty có sự tập trung quyền lực lớn có thể chứng kiến những biến động mạnh. “Trường hợp của Meta là minh chứng rõ ràng nhất cho sự biến động lớn khi tập trung quyền lực”, ông Chris Heynes nhấn mạnh.

“Quyền lực của ông ấy rất lớn. Ông ấy kiểm soát Facebook, Instagram và WhatsApp, ba trong số những công cụ giao tiếp phổ biến nhất thế giới”, Chris Hughes, một trong những nhà đồng sáng lập Facebook đã nói về người bạn của mình vào năm 2019.

Joy Poole, một cựu nhân viên Facebook lên tiếng rằng các nhà lập pháp nên quy định số cổ phần biểu quyết mà một CEO có thể nắm giữ trong công ty. Dù vậy, ngay cả khi Mark Zuckerberg nắm giữ dưới 49% quyền kiểm soát, cũng rất khó để làm ảnh hưởng tới quyền lực của ông.

“Mark Zuckerberg có quyền kiểm soát đa số đối với một công ty có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Tuy nhiên, tôi không tin rằng nếu ông ấy chỉ sở hữu 49% quyền kiểm soát, vấn đề tập trung quyền lực sẽ được giải quyết”.

Theo Tilson, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) phải vào cuộc điều tra các cáo buộc liên quan đến Facebook trong suốt năm qua, được tiết lộ bởi cựu nhân viên Haugen, thì may ra mới có thể khiến Mark Zuckerberg từ chức.

Thực tế, những nhà sáng lập các gã công nghệ khổng lồ tại Thung lũng Silicon cũng đã lần lượt từ chức trong nhiều năm qua, nhưng Mark Zuckerberg là một cái tên ngoại lệ, không những vậy quyền lực của ông còn tăng qua từng năm.

 

"Tôi nghĩ đây là cách cuối cùng để vượt qua cổ phần quyền biểu quyết của ông ấy", ông Tilson chia sẻ.

Doanh Chính