|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 USD 'thách thức' Hàn Quốc

06:50 | 22/03/2019
Chia sẻ
Giáo sư Choi Bae-geun, Khoa kinh tế, trường Đại học Konkuk, Hàn Quốc đã phân tích ý nghĩa và những thách thức ở phía trước khi thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc vượt ngưỡng 30.000 USD.
Thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 USD thách thức Hàn Quốc - Ảnh 1.

Thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 USD "thách thức" Hàn Quốc. Ảnh: EPA

*"Kỳ tích sông Hàn"

Hàn Quốc đã chính thức bước sang giai đoạn thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 USD. Ngày 5/3, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã công bố số liệu sơ bộ về thu nhập quốc dân (GNI) quý IV và cả năm 2018, trong đó thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc năm ngoái đạt 31.349 USD, tăng 5,4% so với một năm trước đó.

Thu nhập bình quân đầu người vượt 30.000 USD được coi là tiêu chuẩn để một quốc gia một được xếp vào hàng ngũ các nước phát triển. 

Thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc năm 1953 khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, chỉ là 67 USD, thời điểm đất nước đang vật lộn với công cuộc phục hồi sau cuộc chiến tranh tàn khốc trên Bán đảo Triều Tiên. 

Phải mất tới hơn 40 năm, tức năm 1994, Hàn Quốc mới nâng con số này lên 10.000 USD. 12 năm sau, vào năm 2006, con số này đã được nâng lên 20.000 USD và tiếp tục mất thêm 12 năm nữa để đạt ngưỡng 30.000 USD. 

Xét tới việc một quốc gia phát triển như Vương quốc Anh, cái nôi ra đời của nền công nghiệp thế giới, phải mất tới 200 năm mới đạt được mức thu nhập bình quân đầu người 10.000 USD, thì việc Hàn Quốc đạt được con số này trong thời gian ngắn quả là một kỳ tích.

Sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất thế giới, bước ra từ đống tro tàn chiến tranh. Hàn Quốc đã phải mất 24 năm để đạt được thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD vào năm 1977. 

Tuy nhiên, Hàn Quốc đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc, được mệnh danh là “Kỳ tích sông Hàn” và trở thành nước thứ 22 trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 USD. Đáng nói hơn, trên phạm vi toàn thế giới, mới chỉ có 7 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, với dân số hơn 50 triệu người đạt được mốc thu nhập này.

Trước Hàn Quốc, 6 quốc gia trên thế giới với dân số trên 50 triệu có thu nhập bình quân đầu người vượt 30.000 USD gồm Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản và Italy, các nước thành viên của Nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7). Chỉ có Canada không thuộc nhóm này, vì có dân số chưa tới 50 triệu người.

*Thách thức phía trước

Mặc dù Hàn Quốc đã ghi danh vào câu lạc bộ “30-50”, tức thu nhập bình quân đầu người hơn 30.000 USD và dân số hơn 50 triệu người, song theo Giáo sư Choi Bae-geun, vẫn còn quá sớm để “mở sâm panh ăn mừng”, khi người dân Hàn Quốc trên thực tế vẫn chưa thực sự cảm nhận được thay đổi đáng kể từ việc thu nhập bình quân tăng. 

Thu nhập của 40-50% các hộ gia đình Hàn Quốc, trên thực tế, đã giảm trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái. Điều này có nghĩa là nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu đã trở thành những người có thu nhập thấp và những người thuộc nhóm thu nhập thấp bị đẩy xuống nhóm người nghèo. 

Nói cách khác, kinh tế có thể tăng trưởng, nhưng nhiều người không thực sự được hưởng lợi từ sự tăng trưởng đó. Họ không hề cảm nhận được bất kỳ sự gia tăng nào trong thu nhập của mình. Trong khi thu nhập khả dụng của 10-20% người ở nhóm trên đã tăng lên, thì thu nhập của 18-25% người ở nhóm dưới lại giảm đi. Khoảng cách thu nhập ngày càng nới rộng trở thành một vấn đề nghiêm trọng.

GNI bao gồm thu nhập của chính phủ, các doanh nghiệp và các hộ gia đình. Trong quý IV năm ngoái, thu nhập danh nghĩa của nhóm 20% người dân thu nhập thấp nhất đã giảm 17,5%, trong khi thu nhập của nhóm 20% dân số giàu có nhất lại tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Như vậy, theo phân tích của Giáo sư Choi Bae-geun, tăng trưởng thực chất chỉ nằm trong tầng lớp giàu. Một vấn đề tiêu cực khác là lợi nhuận các công ty vừa và nhỏ đã suy giảm, chưa bằng một nửa so với các doanh nghiệp lớn. 

Mặc dù, sự tăng trưởng của các doanh nghiệp lớn đã góp phần mở ra thời kỳ thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 USD, nhưng hiệu ứng nhỏ giọt từ các doanh nghiệp này sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ là không hiệu quả. Tồi tệ hơn, triển vọng của nền kinh tế trong năm nay là không mấy sáng sủa. 

Nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại rõ rệt. Không chỉ Hàn Quốc, các cường quốc kinh tế như Mỹ cũng lo ngại suy thoái kinh tế. Năm ngoái, xuất khẩu và tiêu dùng hộ gia đình tại Hàn Quốc đã dẫn đầu tăng trưởng kinh tế, dù đầu tư doanh nghiệp giảm. 

Trong bối cảnh môi trường xuất khẩu dự kiến sẽ xấu đi trong năm 2019, Hàn Quốc có thể đặt niềm tin vào tiêu dùng hộ gia đình. Tuy nhiên, thật khó để trông chờ thu nhập hộ gia đình tăng đáng kể, bất chấp chính sách tăng trưởng lấy thu nhập làm chủ đạo mà Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in đang theo đuổi. Seoul đang đối mặt với nguy cơ giảm tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc trong năm ngoái chỉ đạt 2,7%, năm thứ hai liên tiếp dưới ngưỡng 3%. Xuất khẩu dù vẫn mạnh song đã giảm trong ba tháng liên tiếp. Một phần nguyên nhân là mặt hàng chip bán dẫn đã giảm hơn 24% do nhu cầu thị trường giảm, giá thành hạ. Phản ánh thực tế nghiệt ngã đó, hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody’s đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm nay xuống còn 2,1%.

Giáo sư Choi Bae-geun đánh giá Hàn Quốc sẽ khó lòng duy trì vị thế của một quốc gia tiên tiến trừ phi tình hình được cải thiện. Một ví dụ điển hình là Tây Ban Nha đã từng đạt được thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 USD, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính đã kéo quốc gia này trở về mức 20.000 USD.

Nền kinh tế Nhật Bản cũng từng đối mặt với đà tụt dốc không phanh vào năm 1992, khi bước vào thời kỳ thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 USD, và phải mất 20 năm, thời kỳ còn gọi là “Hai thập kỷ mất mát”, để thực sự bước vào giai đoạn này. 

Một số quốc gia bước vào thời kỳ thu nhập bình quân trên 30.000 USD với nhiều thách thức, bởi những chiến lược, mô hình tăng trưởng thúc đẩy quốc gia lọt vào thu nhập bình quân trên 30.000 USD sau đó, đã bộc lộ những hệ quả và tác dụng phụ được tích lũy. Cuối cùng, các vấn đề tồn tại đã kéo nền kinh tế đi xuống. Hàn Quốc có thể sẽ phải trải qua giai đoạn tương tự.

Hiện tại, Hàn Quốc đang phải đối phó với bài toán nợ hộ gia đình tăng vọt, liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản. Điều này nhắc nhở chúng ta về bài học của Nhật Bản 30 năm trước. Trong khi đó, tiêu dùng hộ gia đình cũng không vững mạnh như các nước phát triển do tăng trưởng thu nhập hộ gia đình trì trệ.

Để phát triển kinh tế bền vững, nhu cầu trong nước vẫn cần mạnh mẽ và tình hình tài chính của các hộ gia đình cần được cải thiện. Vì vậy, các chính sách tăng thu nhập hộ gia đình cần phải được thực hiện nhất quán thì Hàn Quốc mới có thể tiến tới thời kỳ thu nhập bình quân đầu người 40.000 USD một cách thành công.

Nền kinh tế Đức đã tiếp tục phát triển nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỹ cũng đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tới 2% nhờ việc đổi mới công nghệ thông tin, sau khi đạt mức thu nhập bình quân đầu người 40.000 USD. Hàn Quốc có thể theo gương các quốc gia này để duy trì động lực tăng trưởng, đồng thời phải nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân./.

PV