|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thu nhập bình quân đầu người tăng trong năm 2022, nhóm người giàu Việt có xu hướng tiêu ít tiền hơn

08:52 | 07/05/2023
Chia sẻ
Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 tăng đều ở cả thành thị và nông thôn, trong đó, thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2022 ở khu vực thành thị đạt gần 5,95 triệu đồng, cao gấp 1,54 lần thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 3,86 triệu đồng, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê.

Tổng cục Thống kê mới đây đã công bố kết quả khảo sát mức sống dân cư 2022. Cuộc khảo sát được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, thu nhập bình quân một người một tháng năm 2022 theo giá hiện hành đạt 4,67 triệu đồng, tăng 11,1 điểm % so với năm 2021. Sau hai năm 2019 và 2020, thu nhập bình quân đầu người giảm liên tiếp do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, thu nhập bình quân một người một tháng năm 2022 quay trở lại xu hướng tăng như các năm từ 2019 trở về trước.

Thu nhập bình quân một người/tháng theo từng khu vực giai đoạn 2018 - 2022. (Nguồn: Tổng cục Thống kê - Doanh Chính tổng hợp).

Thu nhập tăng đều ở cả thành thị và nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2022 ở khu vực thành thị đạt gần 5,95 triệu đồng (tăng 10,4 điểm phần trăm so với năm 2021), cao gấp 1,54 lần thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 3,86 triệu đồng (tăng 10,8 điểm phần trăm so với năm 2021).

Trong 6 vùng, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân một người một tháng năm 2022 cao nhất (6,33 triệu đồng). Vùng có thu nhập bình quân một người một tháng thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (3,17 triệu đồng).

Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất – nhóm 5) có thu nhập bình quân một người một tháng đạt 10,23 triệu đồng, cao gấp 7,6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất – nhóm 1).

Cơ cấu thu nhập bình quân một người/tháng giai đoạn 2018 - 2022. (Nguồn: Tổng cục Thống kê - Doanh Chính tổng hợp).

Năm 2022, thu nhập bình quân một người một tháng từ tiền lương tiền công đạt 2,6 triệu đồng (tăng 8,2 điểm phần trăm); thu từ nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 0,47 triệu đồng (tăng 4,3 điểm phần trăm); thu từ phi nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1,1 triệu đồng (tăng 15,9 điểm phần trăm) và thu từ các nguồn thu khác đạt 0,5 triệu đồng (tăng 24,7 điểm phần trăm).

Cơ cấu thu nhập đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn. Tỷ trọng các khoản thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng ngày cảng giảm, từ 20,1% năm 2010 xuống 10,8% năm 2021 và còn 10,1% năm 2022.

Ngược lại, tỷ trọng các khoản thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng so với năm 2019, 2020 và 2021 (34,7% so với 33,4%, 33,3% và 32,5%). Tỷ trọng các khoản thu từ tiền lương, tiền công có giảm nhẹ so với năm 2021 (giảm 1,5%), nhưng vẫn duy trì ở mức cao (55,2%). Điều này cho thấy rằng, sau đại dịch các hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản có sự phục hồi nhanh chóng.

Chi tiêu bình quân và quy mô hộ gia đình

Năm 2022, chi tiêu bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 2,8 triệu đồng, giảm 3,3 điểm phần trăm so với năm 2020. Có thể thấy dưới tác động của dịch COVID-19, các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các hộ sống ở khu vực thành thị.

Chi tiêu bình quân một người/tháng theo từng khu vực giai đoạn 2012 - 2022. (Nguồn: Tổng cục Thống kê - Doanh Chính tổng hợp).

Chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở thành thị là 3,3 triệu đồng (giảm 13,6 điểm phần trăm so với năm 2020), ở khu vực nông thôn là gần 2,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm 2020). Năm 2022, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp chủ yếu do giảm chi tiêu của người dân sống ở thành thị.

Chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2022 chi cho đời sống bình quân một người một tháng là 2,7 triệu đồng (chiếm tới 95,5% trong tổng chi tiêu hộ gia đình), trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,3 triệu đồng và không phải ăn uống là 1,4 triệu đồng.

Sự bất bình đẳng trong chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất (nhóm 5) và nhóm nghèo nhất (nhóm 1) là 3,2 lần năm 2022, với chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm 5 gần 4,1 triệu đồng so với gần 1,3 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm 1.

Điểm nổi bật là chênh lệch giữa hai nhóm giàu nhất và nghèo nhất năm 2022 có phần được cải thiện so với năm 2020 (chênh lệch năm 2020 là 5,7 lần) trong đó chủ yếu là do chi tiêu đời sống của nhóm giàu nhất giảm mạnh (5,7 triệu năm 2020 giảm còn 4,1 triệu năm 2022).

Tiêu dùng gạo và lương thực quy gạo tiếp tục giảm năm 2022. Lượng gạo tiêu thụ bình quân một người một tháng giảm còn 6,9 kg, giảm 0,7 kg so với năm 2020. Thói quen ăn uống cho thấy các hộ gia đình sống ở vùng nông thôn thường tiêu thụ nhiều gạo hơn so với các hộ gia đình thành thị (7,7 so với 5,7 kg/người/tháng). Những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất có lượng gạo tiêu thụ cao hơn so với những hộ gia đình thuộc nhóm giàu nhất (7,8 so với 6,1 kg/người/tháng).

Lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng qua các năm, từ 2,3 kg/người/tháng năm 2020 lên 2,6 kg/người/tháng năm 2022. Tiêu thụ rau xanh tăng từ 1,7 kg/người/tháng năm 2020 lên 1,9 kg/người/tháng năm 2022.

Lượng tiêu thụ rượu bia, đồ uống khác (nước có ga, nước ngọt…) có dấu hiệu giảm trong năm 2022. Rượu bia giảm từ 1,3 lít/người/tháng năm 2020 xuống 1,2 lít năm 2022 và đồ uống khác giảm từ 2,3 lít/người/tháng năm 2020 xuống 2,1 lít năm 2022.

Khối lượng tiêu dùng gạo, thịt các loại và rau bình quân một nhân khẩu/tháng giai đoạn 2012 - 2022. (Nguồn: Tổng cục Thống kê - Doanh Chính tổng hợp).

Nhân khẩu bình quân một hộ năm 2022 là 3,6 người, số người trong độ tuổi lao động bình quân 1 hộ là 2,1 người. So với năm 2020, quy mô hộ và số người trong độ tuổi lao động không thay đổi. Tỷ lệ phụ thuộc tăng từ 0,69 năm 2020 lên 0,72 năm 2022.

Quy mô hộ gia đình ở khu vực thành thị và nông thôn không có sự khác biệt, với 3,5 người/hộ ở khu vực thành thị và 3,6 người/hộ ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ thuộc ở khu vực nông thôn cao hơn so với khu vực thành thị (0,75 so với 0,67).

Doanh Chính