Hé lộ thu nhập của CEO ngành chứng khoán: Mặt bằng lương 10 con số, một lãnh đạo nhận 9 tỷ đồng năm 2022
Mặt bằng lương CEO công ty chứng khoán 10 con số, nội khối vượt trội nhóm ngoại
Trong một năm thị trường chứng khoán đầy biến động như năm 2022, nhiều nhà đầu tư quan tâm về mức lương của lãnh đạo cấp cao tại các công ty chứng khoán, đơn cử như Tổng Giám đốc (CEO).
Theo quan sát, hầu hết các CEO ngành chứng khoán nhận mức lương năm 2022 cao hơn so với năm 2021. Mặt bằng chung là mức 10 con số cho cả năm. Nhưng đang có khoảng cách giữa các công ty do sự khác nhau về quy mô hoạt động, vốn hay hiệu quả kinh doanh.
Một điểm khác là lãnh đạo cấp cao các công ty chứng khoán khối tư nhân trong nước có thu nhập cao hơn các đơn vị là công ty con của một số ngân hàng, hay công ty chứng khoán nước ngoài.
Nhóm công ty chứng khoán ngoại không công bố mức thu nhập chi tiết theo từng vị trí nhưng tổng tiền lương của Ban Tổng Giám đốc thấp hơn đáng kể so với nhiều đơn vị trong nước mặc dù có quy mô hoạt động tương tương, thậm chí có phần nhỉnh hơn.
Ví dụ, trong năm 2022, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) trả lương và các quyền lợi gộp khác cho các nhân sự quản lý chủ chốt gần 4,4 tỷ đồng, thấp hơn 5,6 tỷ đồng năm trước đó. Hay Chứng khoán KB Việt Nam chi hơn 6,6 tỷ đồng cho lương thưởng Ban Tổng Giám đốc (3 người) năm vừa qua.
Mặc dù đứng thứ 4 về thị phần môi giới và số 1 về cho vay margin trên tại Việt Nam, số tiền Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) chi ra chỉ bằng 1/6 số tiền lương, thưởng và thù lao của Ban Tổng Giám đốc Chứng khoán MB. Tổng số tiền mà MBS chi là 26 tỷ đồng cho 4 người trong ban điều hành.
Trong năm 2022, tổng tiền lương của Ban Tổng Giám đốc (6 người) Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) là 23,7 tỷ đồng, cao hơn 2021 (19,3 tỷ đồng).
CEO chứng khoán HSC nhận lương 9 tỷ đồng năm 2022
Xét theo từng cá nhân, Tổng Giám đốc Chứng khoán HSC (Mã: HCM) – ông Trịnh Hoài Giang có mức lương dẫn đầu ngành với 9 tỷ đồng cả năm 2022, tương đương 750 triệu đồng/tháng. Ông Trịnh Hoài Giang gia nhập Chứng khoán HSC từ đầu năm 2020. Năm ngoái ông Giang nhận lương 6,3 tỷ đồng cả năm (tương đương 525 triệu đồng/tháng).
Ông Nguyễn Hồng Nam, CEO Chứng khoán SSI (Mã: SSI) có mức lương gần 6,6 tỷ đồng, cao hơn năm 2021 (4,66 tỷ đồng). Tổng Giám đốc của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) có mức lương tương đương với hơn 6,2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng Giám đốc của Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) nhận lương hơn 4,5 tỷ đồng trong năm vừa qua. Hai CEO có mức lương tiền tỷ là ông Nguyễn Duy Viễn của Chứng khoán BSC (3,2 tỷ đồng) và ông Vũ Đức Mạnh của VietinBank Securities (1,18 tỷ đồng). Ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng Giám đốc Chứng khoán FPT (FPTS) nhận mức lương hơn 874 triệu đồng cả năm 2022.
Trong nhóm CEO nữ, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Tổng Giám đốc Chứng khoán Rồng Việt (Mã: VDS) có mức lương gần 3,4 tỷ đồng năm 2022, tương đương 281 triệu đồng/tháng. Bà Huyền được bổ nhiệm vào vị trí này từ tháng 2/2021.
Bà Bùi Thị Thanh Trà, CEO Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận mức lương 195 triệu đồng/tháng, tổng số năm ngoái là 2,34 tỷ đồng, trong khi đó bà Nguyễn Thị Tuyết, CEO của Chứng khoán VIX nhận số tiền hơn 1,6 tỷ đồng cho gần 11 tháng làm việc (1/1 – 19/10/2022), bà Trần Thị Rồng, TGĐ Chứng khoán Trí Việt (1,13 tỷ đồng).
Tổng Giám đốc Chứng khoán Bản Việt nhận lương khiêm tốn, ban điều hành trả lại gần 44 tỷ đồng tiền thưởng
Với vị thế của một công ty chứng khoán lớn, dẫn đầu trong hoạt ngân hàng đầu tư, nhưng ông Tô Hải Tổng Giám đốc của Chứng khoán Bản Việt (Mã: VCI) nhận mức lương tương đối khiêm tốn so với nhiều CEO khác trong ngành với mức tổng hơn 2,7 tỷ đồng cả năm 2022.
Tuy nhiên, mức thưởng theo kết quả kinh doanh của Chứng khoán Bản Việt cho Ban Tổng Giám đốc công ty tương đối cao. Trong điều kiện thị trường thuận lợi như năm 2021, tổng số tiền thưởng theo kết quả kinh doanh cho Ban Tổng Giám đốc công ty lên tới 71,9 tỷ đồng.
Trên thực tế, Ban Tổng Giám đốc của Bản Việt chỉ nhận khoản tiền thưởng 28 tỷ đồng trong số tiền trên, tự nguyện không nhận thưởng 43,9 tỷ đồng để giảm chi phí cho công ty. Do vậy, khoản tiền 43,9 tỷ đồng được hoàn nhập.
Không riêng Chứng khoán Bản Việt, nhiều công ty chứng khoán chi mức thưởng khủng cho ban điều hành trong giai đoạn chứng khoán khởi sắc, đặc biệt năm 2021. Mức thưởng cụ thể với từng cá nhân không được tiết lộ.
Bên cạnh số tiền thưởng khủng, nhiều công ty thực hiện chương trình bán cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với mức giá ưu đãi thấp hơn nhiều thị giá trên sàn. Nên thu nhập thực tế của CEO các công ty chứng khoán sẽ cao hơn đáng kể con số được công bố.