|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dự báo thanh khoản năm 2023 giảm hơn một nửa, Chứng khoán HSC đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 16%

07:56 | 04/04/2023
Chia sẻ
CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC, mã: HCM) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2022. Theo đó, công ty đặt chỉ tiêu lãi trước thuế giảm 16% so với năm ngoái xuống còn 901 tỷ đồng.

Chứng khoán HSC dự đoán giá trị giao dịch khớp lệnh thị trường năm 2023 giảm 55% so với năm ngoái

Trong năm 2023, CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC, mã: HCM) đặt chỉ tiêu doanh thu 2.338 tỷ đồng, giảm 18% so với năm ngoái; và lợi nhuận trước thuế 901 tỷ đồng, giảm 16%. Năm 2022, công ty chứng khoán này ghi nhận doanh thu 2.854 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.068 tỷ đồng, thực hiện lần lượt 79% và 71% kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, HSC dự báo mảng dịch vụ môi giới, cho vay ký quỹ và hoạt động tự doanh sẽ đóng góp chủ yếu vào doanh thu của công ty trong năm 2023.

Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Chứng khoán TP HCM (HSC). (Nguồn: HSC).

Nhận định về bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2023, dựa vào giá trị giao dịch bình quân ngày của thị trường trong năm 2022, giá trị giao dịch thực tế quý I năm nay và nhận định xu hướng thị trường trong năm 2023, Chứng khoán HSC đưa ra các giả thiết chính về giao dịch của thị trường trong năm 2023.

Cụ thể, công ty chứng khoán này dự đoán giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường năm 2023 giảm 55% so với năm ngoái xuống còn 2,25 triệu tỷ đồng, trong đó giao dịch của nhà đầu tư trong nước chiếm 90%, đạt hơn 1,79 triệu tỷ đồng. 

 Các giả thiết chính cùa thị trường chứng khoán năm 2023 của HSC. (Nguồn: HSC).

Chứng khoán HSC trích hơn 805 tỷ đồng trả cổ tức năm 2022

Cũng trong đại hội đồng cổ đông lần này, Chứng khoán HSC sẽ trình đại hội đồng cổ đông về tỷ lệ trả cổ tức đợt 2 năm 2022. Theo đó, HSC dự kiến trả cổ tức thông qua hai phương án, bao gồm bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% (tương đương 500 đồng/cp), thời điểm thực hiện ủy quyền cho HĐQT quyết định căn cứ tình hình thực tế, trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật liên quan.

Phương án phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2022 của HSC. (Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ BCTC).

Bên cạnh đó, HSC cũng trình phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ phát hành 6% trên tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành thực tế tại thời điểm phát hành phương án này (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được nhận 60 cổ phiếu mới).

Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành tối đa 46,2 triệu đơn vị, nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022 trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán của công ty. Thời điểm phát hành sau khi công ty hoàn thành các đợt phát hành theo nghị quyết ngày 8/8/2022 và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Ngoài ra, cổ đông được chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ thực hiện theo phương thức thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu và không được phép chuyển nhượng quyền. Như vậy, HSC dự kiến trích tổng cộng hơn 805 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế năm 2022 của công ty (chiếm hơn 94%) để chi trả cổ tức ở hai đợt.

Tài sản tài chính FVTPL của HSC thời điểm cuối năm 2021 và 2022. (Nguồn: BCTC).

Theo báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán của công ty, tại ngày 31/12/2022, trong danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ, trái phiếu niêm yết là khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.201 tỷ đồng (giảm 9,6% so với cuối năm 2021), tiếp đến là cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu giao dịch trên UPCoM 171 tỷ đồng (giảm 25,4%).

Chi tiết danh mục trái phiếu niêm yết, thời điểm cuối năm 2022, HSC nắm giữ 1.200 tỷ đồng trái phiếu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và 1 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Về cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu giao dịch trên UPCoM, Chứng khoán TP HCM nắm giữ hàng chục tỷ đồng với các mã FPT (21,7 tỷ đồng), MWG (15,6 tỷ đồng), PNJ (15,2 tỷ đồng), TCB (12,9 tỷ đồng), VPB (11 tỷ đồng), ACB (10 tỷ đồng),...

Chi tiết tài sản tài chính FVTPL của HSC thời điểm cuối năm 2021 và 2022. (Nguồn: BCTC).

Diệu Nhi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.