|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

‘Điểm stoploss giống như túi khí ô tô bật lên khi nhà đầu tư gặp sự cố va chạm’

12:35 | 03/04/2023
Chia sẻ
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển Chứng khoán SSI cho rằng khi trading theo kiểu cảm giác mạnh, nhà đầu tư tăng tốc và chẳng may gặp sự cố dẫn đến va chạm mạnh, điểm stoploss giống như túi khí bật lên giúp chúng ta đỡ bị chấn thương.

Mục tiêu tiên quyết của mỗi nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán là lợi nhuận, tuy nhiên nhiều người chỉ để ý đến mức sinh lời mà không quan tâm đến rủi ro trong giao dịch. Để tồn tại trong trading ngắn hạn thì việc bảo toàn vốn phải đặt lên trước khi nghĩ đến lợi nhuận thu được.

Lệnh stoploss (lệnh cắt lỗ) chính là công cụ nhằm hạn chế thua lỗ tới mức tối thiểu, tuy nhiên để sử dụng tốt hoặc hiểu đúng về nó không bao giờ là dễ dàng.

Các chuyên gia chia sẻ về sự cần thiết của việc đặt lệnh stoploss trong đầu tư chứng khoán. (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ về sự cần thiết của việc đặt lệnh stoploss trong đầu tư chứng khoán, ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc đầu tư, Công ty quản lý quỹ SSIAM khẳng định việc đặt ngưỡng stoploss chắc chắn phải có trong hoạt động trading ngắn hạn, nhất là khi nhà đầu tư sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao.

“Nếu không sử dụng stoploss trong trường hợp này thì tài khoản của mọi người sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Việc đặt stoploss như thế nào thì phụ thuộc phần lớn vào kinh nghiệm của mỗi người, với khả năng chịu rủi ro của họ. Trên hết kỷ luật là điều các nhà đầu tư phải tuân thủ theo 100% và bám sát với các quy tắc stoploss đã đề ra”.

Trên phương diện là nhà quản lý quỹ, ông Tốt tiếp cận việc đặt stoploss theo hướng đầu tư. Nếu cổ phiếu giảm 10% thì các nhà quản lý thông thường sẽ đánh giá lại doanh nghiệp, ngành kinh doanh để xem rằng điều gì đang xảy ra với doanh nghiệp, từ đó ra quyết định có nên hạ vị thế hoặc stoploss hay không.

Còn theo quan điểm của ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, khi trading theo kiểu cảm giác mạnh, nhà đầu tư tăng tốc và chẳng may gặp sự cố dẫn đến va chạm mạnh, điểm stoploss giống như túi khí bật lên giúp chúng ta đỡ bị chấn thương.

Đâu là điểm khác nhau giữa đầu tư và trading ngắn hạn?

Ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc đầu tư, Công ty quản lý quỹ SSIAM tại chương trình “Bí mật đồng tiền” của VTV Digital. (Ảnh chụp màn hình). 

Theo ông Tốt, đầu tư và trading có sự khác nhau cơ bản ở cách tiếp cận. Hoạt động đầu tư được nhìn với góc nhìn dài hơi hơn, giống như việc một người góp vốn với doanh nghiệp để cùng với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Khi doanh nghiệp làm ăn tốt và họ có nhiều lợi nhuận, giá trị của doanh nghiệp sẽ tăng lên theo thời gian. Cơ bản việc đầu tư là quá trình đánh giá trong một khoảng thời gian khá dài, có thể là 5 năm, 10 năm hay thậm chí nhiều hơn.

Còn trading là việc mua bán ngắn hạn và lợi nhuận nhận được đến từ chênh lệch giá. Đa số nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp cận thị trường theo hướng như vậy. Việc mua bán ngắn hạn có thể diễn ra trong ngày đối với thị trường như chứng khoán phái sinh để tìm kiếm lợi nhuận.

Theo chuyên gia SSIAM, nền tảng để đưa ra quyết định đầu tư hay trading là khác nhau.

“Đối với hoạt động đầu tư, chúng tôi thường dựa vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đánh giá về ngành, về vĩ mô và nhiều khía cạnh khác nữa để chọn ra những doanh nghiệp có giá trị doanh nghiệp cao hơn so với mức giá định giải ngân. Về lâu về dài nếu doanh nghiệp làm ăn tốt, giá trị của họ gia tăng kéo theo đầu tư có lời.

Trong khi đó, nền tảng của việc trading cần dựa nhiều hơn vào phân tích kỹ thuật và về mặt thông tin. Bởi trong ngắn hạn, hoạt động kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp đa phần không có quá nhiều sự thay đổi”, chuyên gia chia sẻ.

Linh Chi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.