|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia SSIAM chỉ ra cơ hội giải ngân vào một nhóm cổ phiếu được chiết khấu về vùng giá thấp so với quá khứ

20:32 | 02/04/2023
Chia sẻ
Chuyên gia SSIAM cho rằng bán lẻ là một trong những ngành có thể xem xét đầu tư ngay từ thời điểm hiện tại. Lý do là bởi nhiều khó khăn đã được phản ánh và một số cổ phiếu đã được chiết khấu về vùng giá rất hấp dẫn so với quá khứ.

Một thông tin đang nhận được sự quan tâm của thị trường là những số liệu mới về kinh tế quý đầu năm. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011 - 2023. Tính chung quý I năm 2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 5,01%. 

Tại chương trình “Bí mật đồng tiền” của VTV Digital, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (Mã: SSI) cho rằng số liệu tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm không mấy tích cực, do đó tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32%, tương đương với thời COVID quý I năm 2020 không phải là quá xấu.

“Trong số liệu về tăng trưởng, tôi chỉ hơi băn khoăn về số liệu tính theo từng thành phố. Tăng trưởng ở một số thành phố là khá thấp, trong đó có một số thành phố là đầu tàu kinh tế cả nước như TP HCM - tăng trưởng 0,7% coi như đi ngang.

Một số tỉnh có mức sản xuất công nghiệp rất lớn như Bắc Ninh, Bình Dương hay Vĩnh Phúc cũng có mức tăng trưởng rất thấp và nhiều tỉnh thậm chí có mức tăng trưởng GDP âm 2 con số. Những con số này thể hiện khá rõ tình hình sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay đang không mấy tích cực.

Dù vậy, thời điểm quý I năm ngoái chưa phải thời điểm mở cửa hoàn toàn, nên mức nền khá thấp. Đến quý II năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn, mức nền của GDP thời điểm đó là cao. Do đó áp lực cho tăng trưởng của quý II năm nay là khá cao. Chính phủ trong Nghị quyết 01 có đưa ra mong muốn quý II năm 2023 tăng trưởng GDP khoảng 6,7%, tôi nghĩ đó là một con số khá thách thức”, ông Hưng chia sẻ.

Nói về lạm phát, ông Hưng quan tâm đến số liệu lạm phát cơ bản, 3 tháng nay con số này vẫn trên 5%, chưa có dấu hiệu đạt đỉnh và giảm trở lại. Lạm phát của Việt Nam đang quá cao và duy trì trong một khoảng thời gian khá dài - trong 3 tháng gần đây.

Ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc đầu tư, Công ty quản lý quỹ SSIAM  tại chương trình “Bí mật đồng tiền” của VTV Digital . (Ảnh chụp màn hình).

Trong bối cảnh thị trường còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhiều người cho rằng chiến lược nắm giữ tiền mặt nên được ưu tiên. Tuy nhiên như câu nói của John Templeton, “thị trường giá lên được sinh ra trong sự bi quan”, từ trong khốn khó, những cơ hội có thể đang từ từ xuất hiện…

Theo đánh giá của ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc đầu tư, Công ty quản lý quỹ SSIAM, ngành bán lẻ nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn.

Những công ty top đầu như MWG hay FPT Retail cũng đang đặt ra những kế hoạch rất thận trọng. FPT Retail đang đặt kế hoạch giảm đến 50% lợi nhuận so với năm 2022. Còn với MWG, Chuyên gia SSIAM cho biết không chỉ mặt hàng không thiết yếu bị ảnh hưởng bởi nhu cầu sụt giảm mà các mặt hàng thiết yếu cũng ảnh hưởng khá lớn. Các quỹ đầu tư đã nhìn nhận được vấn đề này khiến giá cổ phiếu MWG theo đó biến động mạnh trong thời gian vừa qua.

“Về mặt kinh doanh, tôi cho rằng đây sẽ là một năm khá khó khăn với ngành bán lẻ, nhưng điểm tích cực là họ cũng đã có những sự chuẩn bị nhất định. Như trường hợp của MWG, họ giảm tỷ lệ cổ tức để ưu tiên dòng tiền, cắt giảm những mảng kinh doanh không hiệu quả. Trước đây, MWG mở rộng quy mô do đánh giá quá lạc quan về thị trường, song giờ họ đã đánh giá lại và thay đổi chiến lược.

Về mặt hành động của doanh nghiệp, tôi cho rằng họ đang đi đúng hướng theo hướng bảo toàn dòng tiền trước và ưu tiên những kế hoạch phát triển ở phía sau”.

Dù vậy, Chuyên gia SSIAM cho rằng bán lẻ là một trong những ngành có thể xem xét đầu tư ngay từ thời điểm hiện tại. Lý do là bởi nhiều khó khăn đã được phản ánh và một số cổ phiếu đã được chiết khấu về vùng giá rất hấp dẫn so với quá khứ.

Linh Chi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.