|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Liệu chứng khoán Việt Nam còn được tiếp lửa trong tháng 4 nhờ thông tin giảm lãi suất điều hành?

15:50 | 02/04/2023
Chia sẻ
Sau tháng 2 tiêu cực, thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục trong tháng 3 với mức tăng cao hơn nhiều thị trường khác trong tháng 4. Liệu xu hướng này có tiếp tục tiếp diễn?

 

Hiệu suất tháng 3 của Chứng khoán Việt Nam và một số thị trường chứng khoán trên thế giới. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Chứng khoán Việt Nam khởi sắc trong tháng 3 nhờ lực đẩy từ dòng tiền ngoại

Chuỗi 9 phiên tăng điểm liên tiếp cuối tháng 3 đưa VN-Index đóng cửa ở mức 1.064,64 điểm, cao hơn 3,9% so với tháng trước. Lũy kế trong 3 tháng đầu năm, chỉ số tăng 5,71%. Tích cực hơn, VN30-Index tăng 5,79% trong tháng 3 và đạt mức tăng 6,81% sau 3 tháng đầu năm.

Hiệu suất tháng 3 của VN-Index cao hơn so với nhiều thị trường khác trong khu vực và trên thế giới như Nhật Bản (2,17%), Hàn Quốc (2,65%), Mỹ (S&P 500 – 3,51%). Ngược xu hướng, chứng khoán Indonesia và Thái Lan giảm lần lượt 0,55% và 0,81%.

Đà hồi phục của thị trường xuất phát từ nhiều thông tin hỗ trợ như quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cộng với việc một số chủ đầu tư bất động sản công bố giãn thời gian trả nợ gốc và lãi vay sau khi đạt thỏa thuận với trái chủ.

Về mặt dòng tiền, thị trường được hỗ trợ bởi dòng tiền ngoại khi quỹ ETF từ Đài Loan – Fubon FTSE Vietnam ETF giải ngân khi huy động được dòng tiền mới. Quỹ tỷ USD lớn nhất thị trường do Dragon Capital quản lý cũng giải ngân trở lại thị trường. Tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trong tháng 3 đạt hơn 3.000 tỷ đồng sau khi bán ròng trong tháng 2.

Ngược chiều vốn ngoại, nhà đầu tư trong nước giao dịch với tâm lý thận trọng. Bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đảo chiều bán ròng hơn 500 tỷ đồng trên sàn HOSE tháng vừa qua.

Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên trong tháng 3 trên toàn thị trường giảm xuống còn gần 9.000 tỷ đồng, thấp hơn 9,4% tháng 2. Song, điểm sáng là dòng tiền có tín hiệu trở lại khi thị trường khởi sắc về cuối tháng.

 Thống kê hiệu suất theo tháng của VN-Index. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Thị trường sẽ diễn biến ra sao trong tháng 4?

Dựa trên dữ liệu thống kê lịch sử, kịch bản đang nghiêng về khả năng tăng điểm của VN-Index trong tháng đầu tiên của quý thứ hai trong năm. Từ năm 2010, chỉ số tăng điểm 7/13 năm và tỷ lệ tăng thường áp đảo.

Tháng 4 năm ngoái, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu do thông tin bắt ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC sau đó thị trường xuất hiện nhiều tin đồn. VN-Index mất 8,4%, chấm dứt cuối tăng điểm trong 2 năm. Tháng 4/2020, chỉ số tăng tới 16% sau khi tạo đáy cuối tháng 3 đánh dấu tháng tăng cao nhất của thị trường trong nhiều năm.

Tháng 4/2018, VN-Index giảm 10,58% sau khi trở lại vùng đỉnh lịch sử trên 1.200 điểm.

Đối lập với sàn HOSE, chỉ số của sàn HNX nghiêng về kịch bản giảm điểm trong tháng 4 với 7/13 năm. Trong 2 năm gần đây nhất HNX-Index đều giữ sắc đỏ trong tháng này. Tháng 4/2022 ghi nhận mức giảm 18,64%, cao nhất trong 13 năm gần đây.

Về mặt thông tin, thị trường tiếp tục được hỗ trợ khi trong cuộc báo cuối tháng, Ngân hàng Nhà nước cho biết sớm ban hành văn bản triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội và việc xem xét triển khai giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp.

Ngày 31/3, NHNN thông báo đợt giảm lãi suất điều hành lần thứ hai trong vòng một tháng. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5,5%, giảm 0,5% lãi suất tối đa tiền gửi bằng Việt Nam đồng không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng.

 Ông Đinh Quang Hinh. Ảnh: VNDirect.

Đánh giá về thông tin trên, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích của Chứng khoán VNDirect cho biết: “trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, NHNN đã phát đi thông điệp khá rõ ràng về đảo ngược chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn. Điều này theo tôi sẽ có tác động tích cực tới triển vọng nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong những quý tới”.

“Theo thống kê lịch sử, thị trường chứng khoán thường có diễn biến tích cực trong giai đoạn chính sách tiền tệ được nới lỏng. Tuy nhiên, lưu ý rằng điều này tính bằng quý, bằng năm chứ không có nghĩa là thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh ngay lập tức trong tuần tới, tháng tới bởi vì chính sách tiền tệ, lãi suất cần có thời gian thẩm thấu và phản ánh vào nền kinh tế cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp”, vị chuyên gia của VN-Index nói thêm.

Về kỹ thuật, VN-Index đóng cửa tháng 3 trên ngưỡng 1.060 điểm và chỉ số bước vào vùng kháng cự 1.060 – 1.080 điểm. Ông Đinh Quang Hinh khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên quan sát diễn biến của chỉ số, không nên FOMO. Đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng tiền mặt để mua vào trong những nhịp điều chỉnh, hạn chế sử dụng margin.

Hoàng Linh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.