|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tiền ngoại tiếp tục hỗ trợ chứng khoán Việt Nam trong quý II?

16:24 | 03/04/2023
Chia sẻ
Mặc dù dòng vốn ngoại vào ròng yếu dần trong giai đoạn cuối tháng 3, thậm chí đảo chiều bán ròng 3/4 phiên gần nhất, thị trường được dự báo còn dư địa cho dòng tiền khối ngoại vào ròng.

Khối ngoại mua ròng gần 9.000 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh quý đầu năm, dư địa nào cho quý II?

Thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến đi ngang trong cả quý I với các nhịp tăng giảm ngắn đan xen. Trong tháng đầu năm 2023, thị trường trong nước chứng kiến đà phục hồi trên diện rộng với động lực đến từ xu hướng hạ nhiệt của mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cùng với xu hướng giải ngân mạnh mẽ của khối ngoại.

Hai tháng còn lại của quý I, thị trường biến động giằng co theo xu hướng giảm trước các thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước cũng như những bất ổn trong hệ thống ngân hàng toàn cầu gần đây. Tính hết ngày 31/3, VN-Index tăng 57,55 điểm, tương ứng tăng 5,7% lên 1.064,64 điểm.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Trong quý I, khối ngoại mua ròng 5.900 tỷ đồng, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhóm này gom ròng hơn 8.981 tỷ đồng.

Mặc dù dòng vốn ngoại vào ròng yếu dần trong giai đoạn cuối tháng 3, thậm chí đảo chiều bán ròng 3/4 phiên gần nhất, thị trường được dự báo còn dư địa cho dòng tiền khối ngoại vào ròng.

Cụ thể, trong tháng 3, một trong những thông tin hỗ trợ dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán tháng này là việc quỹ Fubon đã thông qua đợt huy động khoảng 1.300 tỷ đồng. Sau đợt gọi vốn trên, Fubon ETF đã vượt qua DCVFM VNDiamond ETF để trở thành quỹ ETF lớn nhất Việt Nam về quy mô tài sản ròng.

Theo dự báo mới đây của VNDirect Research Fubon ETF vẫn có thể huy động thêm khoảng 2.500 tỷ đồng trong tháng 4.

Mới đây, quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý cũng cho thấy đơn vị này đã hoàn tất đợt cơ cấu danh mục. Trong hai tuần giải ngân liên tiếp (9 – 23/3), quỹ VEIL đã mua vào hơn 112 triệu USD (2.628 tỷ đồng) cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ghi nhận tại ngày 23/3, tỷ trọng tiền mặt trong danh mục đầu tư của quỹ là 0,6%, tương đương 10 triệu USD. Tỷ lệ và lượng tiền mặt này là thấp nhất trong hoạt động của quỹ VEIL những năm gần đây. Điều này phần nào cho thấy triển vọng dài hạn tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu kích hoạt dòng tiền từ các quỹ chủ động giải ngân.

Tỷ trọng tiền mặt trong danh mục đầu tư của quỹ VEIL do Dragon Capital quản lý. Nguồn: LH tổng hợp.

Mã nào được mua bán ròng/mạnh nhất trong quý I?

Thống kê giao dịch của dòng tiền ngoại, cổ phiếu HPG được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 2.077,1 đồng trong quý I. Xu hướng khối ngoại mua ròng cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát được kéo dài từ suốt tháng 11/2022 tới nay. Tính chung cả quý I, cổ phiếu HPG tăng giá gần 11,7% lên 20.800 đồng/cp.

Một cổ phiếu nhóm thép khác là HSG đứng thứ hai trong Top mua ròng với quy mô 881,9 tỷ đồng. Tương tự HPG, HSG cũng ghi nhận hồi phục trong quý I nhưng tỷ lệ tăng nhẹ hơn với gần 4,1%. Nhóm quỹ Dragon Capital vừa thông báo trở thành cổ đông lớn của Hoa Sen.

Đặt trong bối cảnh ngành, các chuyên gia cho rằng, dù những gì xấu nhất cũng đã xảy ra với ngành thép nhưng không có nghĩa là mọi thách thức đã qua đi và ngành bước vào chu kỳ tăng mới. Thị trường còn nhiều rủi ro kinh tế vĩ mô, xung đột địa - chính trị còn nhiều bất ổn.

Kế đó, cổ phiếu POW của PV Power cũng được khối ngoại gom ròng hơn 837,1 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại còn đổ vào một số mã tài chính ngân hàng khác như SSI (792,8 tỷ đồng), VCI (560,1 tỷ đồng), HDB (475,9 tỷ đồng), HCM ( 406,7 tỷ đồng. Nằm ngoài top10 mã được mua ròng mạnh nhất còn có CTG, VND, BID, SHB, …

Lực mua còn xuất hiện tại bộ đôi cổ phiếu họ Vingroup là VRE (504,7 tỷ đồng) và VIC (378,6 tỷ đồng). Top các mã mua ròng quý I còn có chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị 451 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Ở chiều ngược lại, nước ngoài bán ròng mạnh nhất cổ phiếu EIB của Eximbank với quy mô 3.348 tỷ đồng, bỏ xa các mã còn lại trong danh mục.

Giao dịch đột biến trên chủ yếu đến từ việc Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã bán thoả thuận 132,8 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank từ giữa tháng 1. Sau giao dịch, tổ chức nước ngoài này không còn là cổ đông lớn tại nhà băng.

Cụ thể, cổ phiếu EIB ghi nhận giao dịch của khối ngoại bán thoả thuận gần 132,8 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong nước với giá trị gần 3.388 tỷ đồng trong phiên 13/1.

Tương tự, hoạt động rút vốn tập trung ở các cổ phiếu midcap và penny, lần lượt là DXG (426,5 tỷ đồng), DGC (404,2 tỷ đồng), KDC (327,5 tỷ đồng), DPM (253 tỷ đồng), DGW (183,1 tỷ đồng), DCM (167,4 tỷ đồng), NLG (166,5 tỷ đồng).

Đại diện còn lại trong danh mục Top10 bán ròng gọi tên ông lớn VCB của Vietcombank với 225,5 tỷ đồng. Với nhịp tăng gần 14,3% lên 91.400 đồng/cp, cổ phiếu VCB là mã đóng góp tích cực nhất cho đà tăng của VN-Index trong quý đầu năm với hơn 14,6 điểm.

Thu Thảo