|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 150 triệu/năm

14:37 | 13/12/2022
Chia sẻ
Năm 2023, TP Hà Nội đặt mục tiêu GRDP tăng khoảng 7%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.

Thông tin tại Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp, khoa học - công nghệ năm 2022 và phát động phong trào thi đua năm 2023. ngày 12/12, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội xác định năm 2023, GRDP tăng khoảng 7%.

Ngoài ra GRDP/người/năm đạt khoảng 150 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; giảm 30% hộ nghèo so với cuối năm 2022.

Với công tác giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, Kế hoạch đầu tư công năm 2023 toàn TP là 46.946 tỷ đồng, trong đó, cấp TP có 26.126 tỷ đồng, cấp huyện là 19.918,9 tỷ đồng.
 
Về số dự án, cấp TP có 238 dự án, trong đó, có tới 219 dự án chuyển tiếp, 19 dự án mới. Ngân sách TP hỗ trợ cấp huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích và xây dựng hạ tầng gồm 515 dự án.
 
Liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội nêu rõ, hiện nay, toàn TP có hơn 100 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án. Đây là vấn đề cần tập trung khắc phục để kịp thời bố trí vốn.
 

 Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh (Ảnh: Hanoi.gov.vn).

 
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2022 TP đã hoàn thành 22/22 kế hoạch đề ra, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng lưu ý 5 nhóm nhiệm vụ cần tập trung thực hiện năm 2023 và yêu cầu chú trọng một số nhiệm vụ quan trọng như triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Thành ủy; tập trung giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, quyết tâm hoàn thành bàn giao ít nhất 70% mặt bằng vào tháng 6/2023 để kịp khởi công dự án...
 
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị mỗi đơn vị, địa phương bên cạnh thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, cần chọn ra một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cấp thiết nhất, người dân bức xúc nhất để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm tạo chuyển biến rõ nét.
 
Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, với tinh thần “Thước đo thành công trong cải cách thủ tục hành chính là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khẩn trương hoàn thiện văn phòng điện tử và Hệ thống báo cáo của UBND Thành phố, đưa vào vận hành chính thức từ tháng 1/2023.
 
Các cấp, các ngành bằng nhiều giải pháp sáng tạo phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 352.920 tỷ đồng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công gắn với thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu.
 
Về nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, sẽ tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và yêu cầu, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2023, các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức đoàn thể Thành phố cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, với quyết tâm cao nhất, tập trung triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2023.
 

Phát triển hai thành phố trực thuộc

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định phê duyệt "Đề án thành lập từ 2 đến 5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025". Các khu công nghiệp dự kiến được thành lập gồm khu công nghiệp sạch Sóc Sơn; khu công nghiệp Đông Anh; khu công nghiệp Bắc Thường Tín; khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng; khu công nghiệp Phụng Hiệp…
 

Hà Nội cũng đang điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng phát triển các cực tăng trưởng mới.

Cụ thể, Thành phố trực thuộc phía Bắc sông Hồng trên cơ sở 3 huyện: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn với chức năng chính là thương mại, dịch vụ, đối ngoại và giao dịch quốc tế, tận dụng lợi thế sân bay quốc tế Nội Bài; thành phố trực thuộc phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc và Xuân Mai với chức năng chính là khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo. Ngoài ra, Hà Nội cũng quy hoạch xây dựng sân bay thứ hai ở khu vực phía Nam Thủ đô.

Hạ An

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.