|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thử nghiệm thành công ô tô bay 5 chỗ ngồi ở Trung Quốc trên quãng đường 250 km

08:19 | 04/03/2023
Chia sẻ
Loại hình ô tô bay dự kiến sẽ trở thành ngành công nghiệp trị giá 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2040 trên toàn cầu, trong đó Trung Quốc chiếm 29% thị phần toàn thị trường.

AutoFlight, một công ty khởi nghiệp 5 năm tuổi của Trung Quốc được thành lập tại Thượng Hải , đã lập kỷ lục thế giới mới về quãng đường mà một chiếc máy bay chạy điện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng trong chuyến bay thử nghiệm gần đây của hãng, theo South China Morning Post.

Chiếc máy bay này có tên mã là “Prosperity I”, được mệnh danh là taxi hàng không hay “ô tô bay”, có 5 chỗ ngồi. Trong buổi bay thử nghiệm ngày 23/2, Prosperity I đã đạt quãng đường 250,3 km.

Người sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành AutoFlight, Tian Yu tuyên bố đây là chuyến bay dài nhất trên thế giới của loại hình phương tiện này. Ông Tian cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng thành tích này đưa giấc mơ về ô tô bay của ông ấy tiến thêm một bước nữa để thành hiện thực. 

 ÔngTian Yu bên chiếc ô tô bayProsperity I. (Ảnh: South China Morning Post/AutoFlight).

“Tôi tin rằng về lâu dài, ô tô bay sẽ cung cấp một giải pháp tốt cho tắc nghẽn giao thông và cách mạng hóa phương thức đi lại cũng như lối sống”, ông nói với South China Morning Post. “Trực thăng rất đắt đỏ và có tiếng ồn lớn”, ông nói. “Để vận hành một máy bay trực thăng phải tốn tới 2.000 USD mỗi giờ, nhưng vận hành một ô tô bay sẽ chỉ tốn khoảng một phần mười hoặc một phần hai mươi số đó, điều này sẽ khiến nó có giá cả phải chăng”.

Ông nói thêm rằng ô tô bay không cần sử dụng đường băng, hoạt động hiệu quả hơn, dễ bảo trì và thân thiện với môi trường hơn. Với Prosperity I, ông sử dụng các cánh quạt nhằm nâng ô tô theo chiều dọc để cất cánh và sau đó chuyển sang chuyến bay ngang trên cánh, giống như một chiếc máy bay truyền thống.

AutoFlight cho biết dự kiến Prosperity I sẽ hoàn thành chứng nhận của Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu vào năm 2025. Hiện chiếc ô tô bay này đã áp dụng ở Trung Quốc đại lục để sử dụng ban đầu trong lĩnh vực giao hàng.

Người sáng lập Tian cho biết nhu cầu trong nước đối với loại hình ô tô bay là rất cao và chính quyền địa phương “rất ủng hộ” ô tô bay do AutoFlight tự phát triển.

Tuy nhiên, thị trường chính cho ô tô bay như Prosperity I dự kiến ban đầu sẽ phát triển bên ngoài Trung Quốc, nơi hành khách có thể sử dụng taxi hàng không để đi lại hàng ngày với khoảng cách từ 50 km đến 100 km.

“Hai thị trường hàng đầu sẽ là Mỹ và châu Âu, nơi cởi mở hơn với việc đổi mới phương tiện giao thông và người tiêu dùng ở đó dễ chấp nhận ô tô bay hơn”, ông Tian cho biết.

Chuyến bay thử nghiệm đường dài thành công của AutoFlight cho Prosperity I phản ánh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô bay, khi họ thúc đẩy làn sóng đổi mới tiếp theo trong thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

“Chúng tôi là một trong số ít nhà sản xuất ô tô bay đã làm chủ được 'giai đoạn chuyển đổi' đầy thách thức, từ chuyến bay thẳng đứng sang bay ngang và đã làm như vậy hàng trăm lần”, AutoFlight cho biết trong một tuyên bố.

Ngày 30/1, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có trụ sở tại Chiết Giang Geely Holding Group cho biết công ty con Aerofugia của họ đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm chiếc ô tô bay AE200-series nguyên mẫu 5 chỗ ngồi, được thực hiện trong vòng hai tháng kể từ khi công ty nhận được giấy phép đầu tiên cho chiếc ô tô bay có người lái.

Cùng ngày, hãng ô tô điện Xpeng Motors thông báo rằng đơn vị sản xuất ô tô bay của họ, AeroHT, đã nhận được giấy phép đặc biệt để tiếp tục các chuyến bay có người lái trong ô tô bay điện hai chỗ ngồi của mình.

Chủ sở hữu AutoFlight, ông Tian, tốt nghiệp ngành công nghệ điện tử tại Đại học Jiao Tong Thượng Hải và là người đam mê máy bay mô hình, ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp máy bay. 

Các dự án kinh doanh của ông trải dài từ sản xuất máy bay mô hình điều khiển từ xa đến máy bay điện cá nhân. Vào năm 2011, Tian đã nhận được bằng sáng chế cho một chiếc ô tô bay, kết hợp cánh cố định và nhiều cánh quạt điện có thể cất cánh hoặc hạ cánh thẳng đứng.

“Tôi nghĩ công nghệ này có thể tạo ra tác động lớn trong tương lai,” ông nói, chỉ ra rằng bằng sáng chế của mình cho thấy ô tô bay có thể “an toàn hơn và đáng tin cậy hơn” cũng như có ứng dụng rộng rãi hơn máy bay trực thăng.

Năm 2016, Tian thành lập AutoFlight để tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ ô tô bay và sản xuất máy bay. Công ty đã thành lập một khu liên hợp sản xuất rộng 27.000 mét vuông tại Côn Sơn, một thành phố cấp huyện ở phía đông tỉnh Giang Tô, gần với các nhà cung cấp của họ trong khu vực Đồng bằng sông Dương Tử.

Tại một triển lãm hàng không vào tháng 9/2021 ở Trung Quốc, AutoFlight lần đầu tiên ra mắt chiếc ô tô bay 4 chỗ V1500M của mình. Prosperity I đại diện cho phiên bản năm chỗ ngồi mới nhất của loại hình máy bay này.

Vào tháng 11/ 2021, AutoFlight đã nhận được khoản đầu tư 100 triệu USD từ CTCP Công nghệ Team Global có trụ sở tại Berlin, thuộc sở hữu của nhà đầu tư công nghệ châu Âu Lukasz Gadowski. Team Global có cổ phần trong khoảng 10 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực hàng không trên toàn thế giới, bao gồm máy bay không người lái, điều khiển chuyến bay và taxi hàng không.

Hiện tại, AutoFlight sử dụng gần 500 nhân viên trên toàn cầu và có văn phòng tại Mỹ và châu Âu.

Theo báo cáo của Morgan Stanley công bố năm 2021, lĩnh vực “giao thông hàng không đô thị” toàn cầu được dự đoán sẽ trở thành ngành công nghiệp trị giá 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2040, và Trung Quốc chiếm khoảng 29% tổng thị trường.

Đức Huy

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.