|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thu hút vốn vào ngành điện: Giá điện có phải yếu tố tiên quyết?

23:27 | 09/04/2022
Chia sẻ
Với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước thì hoạt động kinh doanh đều phải đem lại lợi nhuận, ngành điện hiện đã có thị trường phát điện cạnh tranh nhưng giá bán vẫn do nhà nước quy định.

Thi công tại Trạm biến áp 500kV Vân Phong, Khánh Hòa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Để hướng tới mục tiêu Net Zero 2050, cơ cấu nguồn điện sẽ phải thay đổi rất nhiều. Với kịch bản Net Zero, không thể xây thêm nguồn điện than mới (trừ các nhà máy đang xây dựng), thậm chí, nhà máy điện khí cũng hạn chế đến mức tối thiểu, lúc này, nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện Mặt Trời sẽ đóng góp chính trong cơ cấu năng lượng điện.

Cụ thể, tỷ trọng công suất năng lượng tái tạo tăng dần, năm 2030 đạt 32%, năm 2045 đạt 58%. Điều này đồng nghĩa với gánh nặng đầu tư rất lớn cho quốc gia. Để thu hút đầu tư vào ngành điện, một yếu tố được nhiều chuyên gia đặt vấn đề là điều chỉnh giá điện.

Theo ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, trong phát triển năng lượng tái tạo, giá điện từ nguồn này hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống như nhiệt điện, thủy điện lớn...

EVN đang được nhà nước giao thực hiện mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án năng lượng tái tạo với mức giá do nhà nước quy định, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện.

Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho rằng, để thu hút đầu tư, không còn cách nào khác là cơ chế điều chỉnh giá điện. Kể cả với nhà nước hay tư nhân thì cơ chế đó là không thể tránh được.

Với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước thì hoạt động kinh doanh đều phải đem lại lợi nhuận. Ngành điện hiện đã có thị trường phát điện cạnh tranh nhưng giá bán cuối cùng vẫn do nhà nước quy định.

Đơn cử như EVN, hiện mua điện theo biến động thị trường điện, nhưng bán điện vẫn theo mức giá cố định. Nếu Chính phủ và Bộ Công Thương không có cơ chế điều chỉnh thì không chỉ EVN gặp khó khăn mà việc thu hút đầu tư cũng sẽ gặp trở ngại. Do vậy, vai trò của giá điện là rất lớn trong thu hút vốn đầu tư.

Ông Bùi Xuân Hồi cho hay, cơ chế biểu giá điện được thực hiện theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đến nay chưa được điều chỉnh; giờ cao điểm, thấp điểm từ năm 2011 cũng chưa điều chỉnh.

Ngoài ra, mức giá bán lẻ bình quân điện được điều chỉnh lần gần đây nhất từ năm 2019, đến nay đã 3 năm không điều chỉnh, trong khi đó, mức biến động của giá dầu, giá than thời gian qua là rất mạnh, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

"Tôi được biết, EVN đang cố để cân đối tới mức lợi nhuận bằng 0 để đảm bảo giá điện hài hòa, tạo điều kiện cho nhiều ngành nghề phục hồi kinh tế, nhưng sẽ 'gồng' được bao lâu? Không chỉ vậy, điều này cũng vô hình chung tạo áp lực cho các nhà đầu tư khác trong vấn đề giá điện," ông Bùi Xuân Hồi nói.

Công nhân Công ty Điện lực Nghệ An kiểm tra hoạt động thiết bị trạm biến áp. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Ông Bùi Xuân Hồi nêu quan điểm, vai trò của nhà nước tính toán cơ chế để điều chỉnh giá điện là rất quan trọng. Khi đã là chi phí của đơn vị, lợi ích kinh doanh thì vai trò điều tiết của Chính phủ để đảm bảo giá điện đó vẫn thu hút đầu tư mà vẫn đạt lợi ích tổng thể, đó là quan trọng nhất trong thu hút đầu tư ngành điện.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng - Bộ Công Thương, công suất năng lượng tái tạo tập trung phần lớn ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam do tiềm năng của các khu vực này.

Theo tính toán, xây dựng nguồn điện gió ở miền Nam, miền Trung hiệu quả hơn nhiều ở miền Bắc. Bởi khu vực Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), có gió tốt nhất miền Bắc, nhưng công suất cực đại chỉ đạt 3.000h, trong khi miền Trung đạt 4.200h. Do đó, chấp nhận xây dựng đường dây truyền tải để đưa điện ra miền Bắc còn rẻ hơn xây dựng các dự án điện gió tại miền Bắc.

Điều này cũng dẫn đến nhu cầu nâng cao công suất truyền tải từ miền Trung và miền Bắc lên 5GW đến năm 2035, 10GW đến năm 2040. Tất cả những thách thức trên khiến vốn đầu tư cho phát triển ngành điện càng tăng cao.

Cụ thể, nếu đầu tư thông thường giai đoạn 2021-2045 cần khoảng 400 tỷ USD đầu tư nguồn và lưới điện, nhưng theo kịch bản Net Zero sẽ tăng lên 33%, tương ứng mức đầu tư khoảng 532 tỷ USD (mỗi năm tăng 5 tỷ USD), đồng nghĩa với giá điện tăng lên khoảng 30% so với kịch bản cơ sở thông thường.

Do đó, ông Cường cho rằng, thời gian tới, chúng ta phải huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư cho hạ tầng nguồn-lưới điện, mới cung cấp đủ điện. Chính phủ cũng đã ban hành Luật Điện lực sửa đổi cho phép tư nhân tham gia.

Về vấn đề này, theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế-Ngân hàng Nhà nước, để các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của ngành ngân hàng để hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện môi trường, Bộ Công Thương và EVN cũng cần sớm ban hành chính sách về giá điện trong thời gian tới, đảm bảo minh bạch, nhất quán tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.

Mặt khác, nghiên cứu lại hợp đồng mẫu, không để quyền từ chối mua điện trên các hợp đồng mẫu...

Đức Dũng