|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thu hút vốn đầu tư là mấu chốt phát triển ngành chế biến nông sản

09:48 | 25/07/2019
Chia sẻ
Năm 2019 sẽ là năm chuyển động mạnh mẽ của các dòng vốn vào lĩnh vực chế biến nông sản để Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ.

FTA tạo cơ hội thu hút đầu tư từ nhiều thị trường

Tại lễ khai mạc Triển lãm quốc tế về công nghiệp chế biến, đóng gói và bảo quản nông sản thực phẩm Việt Nam (Vietnam PFA 2019) sáng ngày 24/7 tại TP HCM, ông Phan Thế Anh, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện nay, với việc hàng loạt các Hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực cũng như sự phát triển năng động của nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển vượt bậc.

"Theo nhận định của các chuyên gia, 2019 sẽ là năm chuyển động mạnh của các dòng vốn vào lĩnh vực chế biến nông sản để Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ. 

Trong đó, việc thu hút đầu tư phát triển sản xuất, làm chủ công nghệ tiên tiến sẽ là mấu chốt căn bản để thúc đẩy sự phát triển", đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh.

Sequence 01

Nghi thức cắt băng khai mạc Triển lãm quốc tế về công nghiệp chế biến, đóng gói và bảo quản nông sản thực phẩm Việt Nam (Vietnam PFA 2019) sáng ngày 24/7 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Đánh giá tiềm năng của ngành ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, ông Dương Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty C.I.S Vietnam, nhận định Việt Nam có nguồn nguyên liệu dồi dào từ hoạt động sản xuất nông nghiệp với nhiều nông sản có chất lượng và giá trị cao. 

Thêm vào đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ hội nhập nhanh vào kinh tế thế giới thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Đây là điều kiện cho nông sản thực phẩm Việt thuận lợi để hội nhập và chinh phục các thị trường khó tính nhất. Đồng thời có cơ hội thu hút vốn đầu tư từ các thị trường mới chưa bao giờ đầu tư vào Việt Nam. 

Theo Bộ Nông Nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản tăng trưởng khá như thủy sản đạt 8,8 tỉ USD, tăng 6,3%; rau quả đạt 3,8 tỉ USD, tăng 9,2%; cà phê đạt 3,5 tỉ USD, tăng 1,2%... 

Trong ba năm qua, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần. Chỉ riêng năm 2018, hơn 10 nghìn tỉ đồng đã được đầu tư vào nông nghiệp.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, tận dụng lợi thế từ các FTA, một trong những giải pháp cấp thiết là ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và phát triển dây chuyền công nghệ, giống, bảo quản, làm sạch nông sản... 

Qua đó mới giúp ngành này đa dạng hóa, hoàn thiện chất lượng sản phẩm xuất khẩu phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường quốc tế, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Tạo cầu nối liên doanh cho ngành chế biến nông sản trong và ngoài nước

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam đã đạt được một số kết quả.

Cụ thể, từ năm 2013 - 2018 công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh trên cả qui mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5 - 7%. 

Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8 - 10 %/năm. Theo đó, khi các FTA được ký kết và có hiệu lực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến nông sản tăng tốc hơn.

Ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, trong bối cảnh thuận lợi đó, việc tổ chức Vietnam PFA 2019 là rất cần thiết, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc mở rộng hợp tác, thu hút đầu tư. Đồng thời giúp doanh nghiệp Việt tìm kiếm đầu ra và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.

"Triển lãm Vietnam PFA 2019 có gần 100 doanh nghiệp tham dự, với 150 gian hàng trưng bày. Tuy là lần đầu tổ chức, nhưng Vietnam PFA 2019 đã thu hút được nhiều thương hiệu hàng đầu trong nước như Vinamilk, TH Milk, Masan, Veam, Tín Dân, Song Hiệp Lợi, Arico, VMS, Đại Chính Quang… tham gia", ông Toản nói.

c47cb555a7d0438e1ac1

Các sản phẩm chế biến từ nông sản của doanh nghiệp trong và ngoài nước được giới thiệu đến người tiêu dùng. Ảnh: Như Huỳnh

Diễn ra đến hết ngày 27/7, các gian hàng của triển lãm tập trung giới thiệu những sản phẩm chế biến, thiết bị, ứng dụng công nghệ hiện đại như máy phân loại trái cây, máy dò kim loại trong sản phẩm, máy in phun, chiên chân không, máy đóng gói khí cải tiến…. 

Bênh cạnh đó, nhiều loại thiết bị có hiệu năng cao, công nghệ mới từ các nước Hàn Quốc, Anh Quốc, Malaysia…giúp rút ngắn quy trình, tăng chất lượng của sản phẩm cũng được các doanh nghiệp giới thiệu đến khách tham dự.

Ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc đối ngoại Vinamilk, chia sẻ: "Tham gia triển lãm lần này, Vinamilk giới thiệu tới khách tham quan mô hình trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh - resort bò sữa lớn nhất châu Á. 

Trang trại được Vinamilk thực hiện cách mạng số 4.0 toàn diện từ quy trình đầu vào đến đầu ra theo công nghệ Mỹ, Nhật, châu Âu trong toàn bộ mô hình chăn nuôi và quản lý".

66f0f593e71603485a07

Hoạt động giao thương, trao đổi kinh nghiệm giữa doanh nghiệp và đối tác diễn ra ngay ngày đầu khai mạc Vietnam PFA 2019. Ảnh: Như Huỳnh.

Trong khi đó, Tập đoàn Masan với thương hiệu Chinsu mang đến triển lãm một số sản phẩm chế biến và đóng gói đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam và xuất khẩu...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và sản phẩm từ những nước có thế mạnh về nông nghiệp như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hà Lan cũng có mặt tại triển lãm này.

"Triển lãm tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp trong nước mở rộng hợp tác, đẩy mạnh liên doanh sản xuất, áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến cũng như những kinh nghiệm quản lý hiện đại từ các đối tác nước ngoài. 

Đồng thời, đây cũng là dịp để cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tiếp cận, tìm kiếm cơ hội, xây dựng quan hệ hợp tác đầu tư vào lĩnh vực chế biến và bảo quản nông sản đầy tiềm năng tại Việt Nam", đại diện Bộ NN&PTNT nhận định.


Như Huỳnh