|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

\"Thu hút FDI tăng số lượng, chất lượng chưa đảm bảo\"

22:05 | 21/12/2016
Chia sẻ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, thu hút FDI giai đoạn vừa qua tăng về số lượng, nhưng chất lượng chưa bảo đảm, công nghệ chưa tốt, đặc biệt công nghệ trong những lĩnh vực Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng.
thu hut fdi tang so luong chat luong chua dam bao
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: VGP/Thành Chung.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, ngày 21/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thường kỳ bàn về vấn đề hội nhập quốc tế.

Cần hoàn thiện giải pháp phòng vệ thương mại

Nhận định về những hạn chế trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng đánh giá và dự báo xu thế của thế giới chưa cao.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế cũng thừa nhận việc triển khai công tác hội nhập trong nước còn yếu, chưa khai thác có hiệu quả các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế.

Phó Thủ tướng dẫn chứng, nhiều nội dung phòng vệ thương mại của Việt Nam còn bất cập, chưa phù hợp thông lệ quốc tế và yêu cầu trong nước. Theo đó, Phó Thủ tướng mong muốn Quốc hội ủng hộ và góp ý để Chính phủ hoàn thiện dự án Luật Quản lý ngoại thương với nhiều giải pháp về phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực. Các ngành kinh tế, các doanh nghiệp mũi nhọn, có khả năng vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới chưa nhiều, chưa có khả năng đi đầu, kéo các ngành, các doanh nghiệp khác cùng phát triển...

Ngoài ra, hiệu quả đầu tư chưa được cao như mong muốn. Việt Nam chậm đổi mới chính sách liên quan đến thu hút FDI. Việc thu hút các dự án FDI tăng về số lượng, nhưng chất lượng chưa bảo đảm, công nghệ chưa tốt, đặc biệt công nghệ trong những lĩnh vực Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng. Hiện nay vẫn còn tồn tại những dự án đầu tư tiêu cực về môi trường, sinh thái...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế góp phần làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản. Tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua phần nhiều dựa vào các yếu tố như tín dụng, lao động rẻ mà thiếu sự đóng góp đáng kể của việc gia tăng năng suất lao động hay hàm lượng tri thức, công nghệ.

TPP là điều khó đoán

Bàn thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều ý kiến vẫn còn tỏ ý băn khoăn về tương lai của TPP và phương án của Chính phủ sẽ ra sao.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tương lai của TPP là điều khó đoán định và phải chờ đến sau 20/1/2017, khi tân Tổng thống Mỹ nhậm chức và công bố chính sách thương mại, đối ngoại của Mỹ ra sao thì mới có thể biết chính xác về Hiệp định này.

“Chính phủ xác định, dù có hay không có TPP thì Việt Nam vẫn chủ động cải cách và hội nhập sâu vì các Hiệp định chúng ta ký với EU và nhiều quốc gia khác, nhiều tiêu chuẩn cũng tương đồng với TPP. Chính phủ đang rà soát lại để trình Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật trong vòng 3 - 5 năm tới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Chưa kể các yếu tố chủ quan từ khâu tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng cho rằng cần rút ngắn khoảng cách giữa văn bản pháp luật với thực thi của cơ quan công quyền, công chức.

Ông khẳng định, Chính phủ phải nỗ lực hơn để giải quyết những hạn chế, yếu kém trong hội nhập kinh tế, lựa chọn các cuộc chơi chủ động hơn, không để các nước dẫn dắt cuộc chơi. Đặc biệt, để không bị hòa tan trong quá trình hội nhập, Phó Thủ tướng cho rằng muốn tự chủ thì thực lực phải mạnh lên.

Vì vậy, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ các nhiệm vụ cơ cấu lai nền kinh tế ở các lĩnh vực tổ chức tín dụng, đầu tư công, doanh nghiệp, thu chi ngân sách gắn với đảm bảo an toàn nợ công và cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công, các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, nông nghiệp...