|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hội nhập gây sức ép lên thu ngân sách?

07:37 | 12/04/2018
Chia sẻ
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), việc cắt giảm hàng rào thuế quan thương mại là điều kiện bắt buộc khi Việt Nam tham gia ký kết các Hiệp định thương mại song điều này lại gây sức ép ngày càng lớn lên việc thu ngân sách.
hoi nhap gay suc ep len thu ngan sach
Hội nhập góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng cũng tạo ra khó khăn cho nguồn thu ngân sách nhà nước

Phải tăng thu nội địa

Theo VEPR, số liệu dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) qua các năm của Bộ Tài chính thể hiện rõ sự dịch chuyển cơ cấu nguồn thu ngân sách trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.

Đơn cử, dự toán nguồn thu dầu thô được điều chỉnh giảm dần qua các năm 2015-2017, sau cuộc khủng hoảng giá dầu từ cuối năm 2014, từ 10,2% năm 2015 xuống 5,4% và 3,2% lần lượt trong các năm 2016 và 2017. Trong bối cảnh giá dầu hồi phục trong thời gian gần đây, Chính phủ vẫn giảm dự toán thu ngân sách từ dầu thô còn 2,7% năm 2018. VEPR cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn khi giảm sự phụ thuộc của thu NSNN vào nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn.

Nhưng không chỉ có dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trong dự toán ngân sách cũng đã được điều chỉnh giảm về tỷ trọng trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới. VEPR chỉ ra, việc cắt giảm hàng rào thuế quan thương mại là điều kiện bắt buộc khi Việt Nam tham gia ký kết các Hiệp định thương mại. “Nhưng để bù đắp cho sự suy giảm tỷ trọng thu ngân sách từ hoạt động XNK và từ dầu thô, Chính phủ buộc phải tăng các thu nội địa như thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thu về nhà đất…”- Báo cáo vừa được VEPR công bố đưa ra nhận định.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR cho biết thêm: Việc ký kết Hiệp định CPTPP tiếp tục củng cố tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới. Nhưng rõ ràng bên cạnh việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, việc hội nhập sâu rộng cũng tạo ra khó khăn cho nguồn thu NSNN khi thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng giảm.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xác định giảm tỷ trọng thu từ nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn như dầu thô. Và để thu hút đầu tư tư nhân và FDI, Chính phủ cũng đã liên tiếp hạ thuế suất thuế TNDN trong những năm gần đây nên tỷ trọng nguồn thu từ loại thuế này cũng đang giảm dần. “Và như vậy, để bù đắp cho sự sụt giảm tổng thu ngân sách, Chính phủ buộc phải tăng các khoản thu nội địa khác. Như trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã đề xuất dự thảo tăng thuế suất VAT là một minh chứng.”- TS. Thành chỉ ra.

Tăng thuế, phí không phải là cách?

Phân tích về nguy cơ cho đề xuất tăng thuế suất VAT của Bộ Tài chính, TS. Thành cho rằng, việc tăng thuế suất VAT một mặt tăng gánh nặng thuế lên người dân, gián tiếp đẩy một bộ phận vào khu vực kinh tế phi chính thức. Nhưng mặt khác cũng không đảm bảo là sẽ tăng được tỷ trọng thu thuế VAT trong tổng thu ngân sách.

Để đảm bảo cân đối thu, chi, Viện trưởng Thành cho rằng cần cải thiện nguồn thu thông qua tăng hiệu quả thu trên các loại thuế đã có và thuế suất hiện thời, thay vì vội vã áp thêm các loại thuế mới hoặc tăng thuế suất. “Việc này cần có sự cải cách ngay trong nội bộ ngành Thuế”- TS. Thành đề xuất.

Cũng theo TS. Thành, một giải pháp đi liền là cần duy trì nỗ lực kiểm soát tiêu ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên. Chi thường xuyên lâu nay luôn ở mức cao trên 70% tổng chi qua các năm, một phần nguyên nhân tới từ bộ máy nhà nước và đoàn thể chính trị cồng kềnh, lãng phí, kém hiệu quả.

Trong khi đó, nguồn lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển chưa có nhiều cải thiện. “Do đó, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi các DNNN như đã và đang thực hiện trong thời gian qua”- TS. Thành khuyến nghị.

Cũng liên quan tới vấn đề ngân sách nhà nước, Báo cáo Kinh tế quý 1 vừa được VEPR công bố còn nhấn mạnh, thâm hụt ngân sách và nợ công cũng luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Và thời gian vừa qua, ý tưởng đưa “kinh tế ngầm” vào tính toán GDP đã tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi.

Theo VEPR, việc ước lượng nền kinh tế phi chính thức là cần thiết để Chính phủ đề ra chiến lược phát triển phù hợp. Tuy nhiên, việc đưa nền kinh tế ngầm vào GDP là chưa thích hợp vì tổng GDP có thể tăng về danh nghĩa, nhưng có thể gây bất nhất trong so sánh quốc tế theo thông lệ. Thêm vào đó, điều quan trọng là các chỉ tiêu quốc gia như chi ngân sách hay nợ công có thể tăng tương ứng, nhưng lại không phục vụ được cho khu vực phi chính thức, vốn chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu và thích hợp.

“Chúng tôi cho rằng việc cấp thiết không phải là tính toán khu vực phi chính thức vào tổng GDP mà cần quản lý hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài để nâng hiệu quả kinh tế- xã hội, hay giảm thiểu lãng phí, sử dụng sai mục đích. Nếu không kiểm soát tốt nợ nước ngoài và cân đối ngân sách, trần nợ công chắc chắn bị phá vỡ trong thời gian tới và Việt Nam ngày càng lún sâu vào nợ nần trước khi kịp cất cánh”- Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành cảnh báo.

Chi thường xuyên tiếp tục chiếm tỷ lệ quá lớn

Theo số liệu từ thống kê, tổng thu ngân sách tính đến ngày 15/03/2018 ước đạt 216,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa là 175,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tới gần 81,0% tổng thu. Trong khi đó, tổng chi NSNN ước đạt 229,1 nghìn tỷ đồng, bằng 16,5% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên bằng 173,2 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 75,6% tổng chi. Nguồn nội lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 14,2% tổng chi NSNN. Theo VEPR, điều này một mặt cho thấy quy trình phân bổ dự toán chi tiêu đầu tư công vẫn còn rất chậm. Mặt khác, thực trạng này tiếp tục phản ảnh sự thiếu cân bằng của tổng chi ngân sách.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phi Hùng

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.