'Tăng trưởng chậm không nên đổ lỗi khai khoáng và nhập siêu'
|
"Tăng trưởng chậm không phải do suy giảm khu vực khai khoáng và nhập siêu", ThS Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế Vĩ mô, Viện Quản lý Kinh tế trung ương CIEM nhận định. Vị chuyên gia phản biện lại quan điểm của Tổng cục Thống kê cho rằng tăng trưởng kinh tế quý I ở mức 5,1% (thấp nhất trong ba năm trở lại đây) là do giảm sản lượng ngành khai khoáng và nhập siêu.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng ngành khai khoáng quý I âm 10% so cùng kỳ năm 2016. Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho biết nếu sản lượng khai thác dầu thô đạt bằng cùng kỳ năm trước, thì GDP quý I có thể đạt tới 5,9%. Ngoài ra, tình trạng nhập siêu lớn không đóng góp nhiều giá trị vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Dương cho lý giải do "lỗi" của khai khoáng và nhập siêu không đúng, đây chỉ là các "nguyên nhân toán học". Bản chất của tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm do hàm lượng giá trị gia tăng từ hoạt động kinh tế giảm đi.
Trong quý I, nhập khẩu tăng 15,1%, xuất khẩu tăng ở mức 24,9%. Ông Dương cho rằng, giá trị tạo ra từ xuất khẩu chưa đủ bù đắp phần cần nhấp khẩu về nguyên liệu, máy móc cho sản xuất của doanh nghiệp. Trên thực tế, hàng hóa của Việt Nam kém cạnh tranh hơn với hàng nhập khẩu cũng là nguyên nhân làm giảm sức tiêu thụ trong nước. Một nguyên nhân khác mà ông Dương cho rằng khiến kinh tế tăng trưởng chậm khi Việt Nam vẫn đang đầu tư vào các ngành ít tiềm năng tạo giá trị gia tăng như bất động sản.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục tăng trong quý I, dù tốc độ tăng chậm dần. Diễn biến lạm phát trong những tháng đầu năm ít nhiều chịu ảnh hưởng của sự phục hồi của giá cả trên thị trường quốc tế. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối thấp và những diễn biến vĩ mô quý I, CIEM quan ngại về hiệu quả điều phối chính sách kinh tế vĩ mô trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Anh Dương đưa ví dụ, Chính phủ đã đưa nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tuy nhiên, việc thực hiện ở các địa phương vẫn như một chiếc thuyền mà các tay chèo "mạnh ai nấy chèo". Vì vậy, kinh tế Việt Nam không có nhiều bước tiến rõ rệt dù đã có nhiều nỗ lực cải cách.
"Đây là thời điểm quan trọng để chứng minh quyết tâm cải cách", TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhận định. Theo ông, Việt Nam vẫn còn động lực tự thân để cải cách theo hướng thị trường và cải cách này có thể hoàn toàn thay thế áp lực từ bên ngoài, áp lực từ hội nhập quốc tế. Cải cách cũng tạo điều kiện cho tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.
CIEM cũng cho rằng việc dùng sức ép từ hội nhập quốc tế đẻ thúc đẩy cải cách trong nước cũng không còn phù hợp trong tình hình hiện nay. Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, Việt Nam nên hướng tới "hội nhập tối ưu" thay vì "hội nhập tối đa". Mức độ hội nhập quốc tế không phải thước đo cuối cùng của phát triển kinh tế xã hội mà phải là mức độ tham gia, hưởng lợi của các tầng lớp, công đồng doanh nghiệp từ sự hội nhập này.
"Trông chờ vào RCEP để thay thế TPP rất khó khả thi và chỉ thể hiện tư duy hội nhập vì hội nhập chứ không phải hội nhập để phát triển", ông Dương đưa ví dụ đánh giá.
Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng xuất khẩu cao là không đủ. Việc khai thác thị trường bên ngoài cũng không nên chỉ dựa vào doanh nghiệp FDI. Vì vậy, CIEM cho rằng cần thay đổi phương thức điều hành, xây dựng kịch bản để ứng phó với các biến động từ bên ngoài.
Từ thực trạng kinh tế quý I, CIEM đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 5,61%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,24%. Thâm hụt thương mại ở mức 1,13 tỷ USD, tiếp tục do gia tăng cầu đầu tư và nhập khẩu tăng (dù không nhiều so với quý I). Mức tăng giá tiêu dùng trong quý II là khoảng 0,86%.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/