Thu hút FDI năm 2019 đạt 38 tỷ USD, cẩn trọng với xu hướng góp vốn, mua cổ phần
Đây là một trong những thông tin được đưa ra tại báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2019 của Tổng cục Thống kê tại buổi họp báo chiều 27/12.
Theo đó, năm 2019 có hơn 3.880 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, tăng 27,5% về số dự án và giảm 6,8% về số vốn đăng ký so với năm trước; các dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,8 tỷ USD, giảm 23,6%; hơn 9.840 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 15,5 tỷ USD, tăng 56,4%.
Vốn đầu tư FDI thực hiện năm 2019 ước tính đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm trước.
Trong năm 2019, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới FDI lớn nhất, chiếm 72,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 10,8%...
Trong số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm 2019, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 3.668 triệu USD, chiếm 21,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 16,8%; Trung Quốc chiếm 14,2%; Singapore chiếm 12,5%...
Nhận xét về tình hình thu hút FDI của Việt Nam, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) cho biết, thu hút FDI là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế 2019 khi tiếp tục thiết lập đỉnh cao mới về số vốn so với các năm trước.
Nguyên nhân do môi trường kinh doanh đã tốt hơn, nhất là khi Luật Đầu tư 2014 ra đời và có hiệu lực, giúp đa dạng hóa hình thức đầu tư, dần chuyển sang hình thức góp vốn mua cổ phần nên hình thức này đang tăng lên.
Cụ thể là năm 2019 đạt hơn 15 tỷ USD, chiếm 40% tổng vốn đầu tư, trong khi năm 2018 chỉ đạt gần 10 tỷ USD, chiếm 28%.
Tuy đây là xu hướng tích cực, nhưng theo ông Phong, trong những năm tói, bên cạnh việc kiên định mục tiêu thu hút FDI, các cơ quan quản lý cần theo dõi sát sao việc góp vốn, mua cổ phần để tránh tình trạng bị vốn ngoại hóa, dẫn tới chi phối các ngành kinh tế.
Hơn nữa, cần có biện pháp hướng nguồn vốn vào các ngành, lĩnh vực công nghệ mới, gía trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường.
Cũng theo báo cáo, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) trong năm 2019 đạt trên 508 triệu USD, trong đó lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 23,9% tổng vốn đầu tư; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 86,1 triệu USD, chiếm 16,9%...
Trong 32 quốc quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, Australia là nước dẫn đầu khi chiếm 30,4%, Hoa Kỳ chiếm 18,4%, Campuchia chiếm 14,5%...