|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thu hút FDI cần chọn lọc

07:18 | 05/10/2018
Chia sẻ
Thu hút FDI thời gian tới cần ưu tiên các nhóm ngành phù hợp với xu thế chung của toàn cầu, tạo điều kiện kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.
thu hut fdi can chon loc Những viên gạch đầu tiên trong hành trình 30 năm thu hút FDI

Ngày 4-10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Ghi nhận những đóng góp trong thu hút FDI, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất cho Bộ KH-ĐT; Huân chương Lao động hạng ba cho Cục Đầu tư nước ngoài.

Định hướng mới về FDI

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng điểm lại những con số nổi bật của FDI trong vòng 30 năm và tiếp tục khẳng định đây là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Người đứng đầu Bộ KH-ĐT cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế của việc thu hút FDI và mong muốn các đại biểu đến từ các nước, các tổ chức kinh tế trên thế giới và đại biểu trong nước "hiến kế" để thu hút FDI phù hợp với tình hình mới.

Là địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI trong 30 năm qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đến tháng 6-2018, trên địa bàn TP có khoảng 4.300 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt trên 33,38 tỉ USD. Hà Nội đã tiếp nhận được một số công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong nhiều ngành kinh tế quan trọng như viễn thông, điện tử, công nghiệp sản xuất phụ tùng và lắp ráp sản xuất ôtô, hóa chất.

Ông Nguyễn Đức Chung khẳng định thu hút FDI giai đoạn tới sẽ chọn lọc, ưu tiên vào một số lĩnh vực như: Giao thông, đô thị thông minh, hạ tầng thoát nước, môi trường; chế biến nông lâm thủy hải sản áp dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, logistics… Cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) FDI, ông Chung cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý trong quản lý, giám sát hiệu quả việc thực hiện dự án FDI sau khi cấp phép.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thời gian tới Việt Nam sẽ chú trọng thu hút các dự án FDI có tính liên kết cao, nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chất lượng cao trong nước, giúp DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các dự án FDI vào Việt Nam phải thân thiện với môi trường, tỉ lệ nội địa hóa cao, tiếp cận công nghệ 4.0.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành sớm hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ và xây dựng nền kinh tế tự chủ.

thu hut fdi can chon loc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm 30 năm FDI

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt

Nói về chặng đường sắp tới của các DN Mỹ tại Việt Nam, ông Michael Kelly, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), khẳng định bên cạnh việc thúc đẩy đầu tư, Mỹ sẽ ủng hộ, hợp tác và giúp DN vừa và nhỏ Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Luôn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đại diện AmCham mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện thể chế chính sách, tạo môi trường pháp lý ổn định, các cơ quan hành chính hỗ trợ nhà đầu tư hơn nữa, cụ thể hóa trong hệ thống luật pháp để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm chi phí kinh doanh.

Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) Tomaso Andreatta cho rằng Việt Nam cần gỡ bỏ gánh nặng về thuế và thủ tục hải quan, thanh tra, quyết toán thuế. Ông Andreatta cũng chỉ ra hạn chế hiện nay là DN nhỏ và vừa ở Việt Nam không có đủ nguồn lực và kỹ năng. Do đó, ông kiến nghị Chính phủ Việt Nam có thể khuyến khích các DN, đặc biệt DN lớn rời khỏi mảng địa ốc, chuyển sang ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao.

Từ những kiến nghị của nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, mang tính cạnh tranh, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế tiên tiến. Chính phủ luôn lắng nghe và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư để hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp FDI trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ.

Nhiều doanh nghiệp FDI ký kết đầu tư

Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác đầu tư. Trong đó có biên bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ đầu tư giữa UBND TP Hà Nội và Tập đoàn Jiayuan International về dự án Đầu tư và xây dựng công viên phần mềm và cảng cạn ICD với tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ USD; văn kiện hợp tác đầu tư của Công ty CP VNG và quỹ đầu tư Temasek Holdings của Singapore về lĩnh vực công nghệ cao; giấy chứng nhận đầu tư tăng vốn cho Công ty TNHH LG Display với tổng vốn đăng ký tăng thêm 500 triệu USD...

Xem thêm

Minh Chiến

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.