|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại Đồng Nai đang chậm lại

07:48 | 13/05/2022
Chia sẻ
Trong 4 tháng đầu năm, thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tại Đồng Nai có xu hướng chậm lại so với những năm trước do nhiều nguyên nhân.

Báo Đồng Nai thông tin, trong 4 tháng đầu năm nay, thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tại Đồng Nai có xu hướng chậm lại. Trong đó, thu hút vốn đầu tư trong nước đạt gần 183 tỷ đồng, tương đương hơn 9,1% kế hoạch năm và thu hút vốn FDI hơn 218 triệu USD, thực hiện trên 31% kế hoạch.

Có ba vấn đề chính đang ảnh hưởng đến việc thu hút dòng vốn đầu tư vào các KCN của tỉnh gồm dịch  COVID-19; giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng phi mã và diện tích đất dành cho nhà đầu tư thứ cấp thuê tại các KCN đã hết hoặc còn rất ít.

Mặt khác, những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, thâm dụng nhiều lao động,... địa phương đều từ chối.

Báo Đồng Nai dẫn chia sẻ từ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hồ Văn Hà, có tập đoàn FDI dự tính đầu tư dự án khoảng 1 tỷ USD nhưng do không tìm được vài chục ha đất công nghiệp để thuê nên họ đã chuyển qua Bình Dương.

Hiện có 2-3 tập đoàn FDI lớn đang chờ có diện tích đất công nghiệp lớn khoảng 100 ha để thuê và đặt nhà máy sản xuất, qua đó kéo theo một số doanh nghiệp nhỏ đến đặt nhà máy cung ứng sản phẩm đầu vào cho họ.

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, kế hoạch năm 2022 Đồng Nai sẽ thu hút 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 700 triệu USD vốn FDI vào các KCN. 

Địa phương hiện có 32 KCN được thành lập với diện tích hơn 10.200 ha, trong đó có 31 KCN đang hoạt động và một KCN (KCN Công nghệ cao Long Thành) đang trong quá trình bồi thường, thu hồi đất và xây dựng hạ tầng.

Các KCN nếu hoàn thành hạ tầng sẽ có hơn 7.100 ha đất cho thuê. Ngoài ra, có nhiều KCN đang tiến hành mở rộng như: Amata, Giang Điền, Hố Nai, Sông Mây, Ông Kèo, Định Quán,…

Diện tích đất công nghiệp cho thuê hiện tại vào khoảng 5.900 ha, vẫn còn khoảng 1.200 ha đất chưa bồi thường xong nên không thể xây dựng hạ tầng cho doanh nghiệp thuê. Việc thu hồi đất đã kéo dài 6-15 năm chưa hoàn thành tại nhiều KCN như: Sông Mây, Hố Nai, Bàu Xéo (H.Trảng Bom), Amata (TP.Biên Hòa), Ông Kèo (Nhơn Trạch)…

Thực trạng bồi thường giải phóng mặt bằng tại các KCN còn chậm trễ chủ yếu do người dân chưa đồng thuận với giá bồi thường vì cho rằng mức bồi thường quá thấp so với giá thị trường.

Hồng Vịnh