Những doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp báo lãi lớn quý đầu năm
Thống kê sơ bộ từ một số doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2022 cho thấy, tất cả đều có lãi. Song, bên cạnh những doanh nghiệp có kết quả tăng trưởng ấn tượng cũng có một số doanh nghiệp báo lợi nhuận sụt giảm khi quỹ đất cho thuê không còn nhiều.
Đơn cử, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) ghi nhận kết quả kinh doanh quý đầu năm tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, doanh thu của công ty lần lượt đạt 3.833 tỷ đồng, tăng 63% và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 752 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng góp chính cho kết quả tăng trưởng này là lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp với tổng doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.
Tương tự, Tổng công ty IDICO - CTCP (Mã: IDC) cũng vừa báo lãi kỷ lục trong quý I. Theo đó, doanh thu thuần của công ty tăng 60% lên hơn 1.673 tỷ đồng, LNST gần 284 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ. Nguyên nhân là do doanh nghiệp ghi nhận doanh thu các Hợp đồng tại Dự án KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng. Theo đó, doanh thu dịch vụ khu công nghiệp quý này của IDICO tăng mạnh hơn 4 lần cùng kỳ lên hơn 769 tỷ đồng.
CTCP Long Hậu (Mã: LHG) ghi nhận doanh thu thuần quý I hơn 114 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ do doanh thu cho thuê đất và cho thuê nhà xưởng giảm. Nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh, LNST doanh nghiệp đạt gần 49 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ.
Trong quý I vừa qua, CTCP Thống Nhất (Mã: BAX) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 175 tỷ đồng và LNST gần 49 tỷ đồng, lần lượt gấp gần 7 lần và hơn 8 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đóng góp chủ yếu vào kết quả này lại là doanh thu bán đất nền, nhà ở dự án Khu trung tâm dịch vụ KCN Bàu Xéo với hơn 146 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu cho thuế đất và cơ sở hạ tầng chỉ gần 13 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Trong khi đó, một ông lớn trong phân khúc bất động sản khu công nghiệp là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC - Mã: BCM) lại ghi nhận một quý hoạt động không mấy hiệu quả. Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.433 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ và LNST đạt 391 tỷ đồng, giảm 14%.
Do ghi nhận doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng khu công nghiệp giảm hơn 82% so với cùng kỳ từ hơn 1.794 tỷ đồng về hơn 317 tỷ đồng nên lợi nhuận quý I của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) sụt giảm gần 27%. Doanh nghiệp của đại gia Đặng Thành Tâm thoát lỗ quý này nhờ khoản phát sinh gần 499 tỷ đồng do chênh lệch phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh.
Tương tự, CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (Mã: TIP) ghi nhận lợi nhuận quý đầu năm chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, giảm mạnh 86% so với cùng kỳ do
CTCP Sonadezi Châu Đức (Mã: SZC) và CTCP Sonadezi Long Thành (Mã: SZL) ghi nhận lãi sau thuế quý I/2022 đạt lần lượt hơn 75 tỷ đồng và hơn 19 tỷ đồng, đều giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu từ cho thuê đất và cho thuê nhà xưởng các khu công nghiệp của Sonadezi Châu Đức ghi nhận gần 273 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Đối với Sonadezi Long Thành, khoản thu này không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái với hơn 53 tỷ đồng.
BĐS công nghiệp có nhiều động lực tăng trưởng
Trải qua một thời gian dài chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bất động sản công nghiệp vẫn được đánh giá là một trong những phân khúc có nhiều ưu thế để lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022.
Theo thống kê của JLL, thị trường bất động sản khu công nghiệp tiếp tục chào đón nguồn cung mới trong quý I/2022, điển hình là Khu công nghiệp VSIP 3 (1.000 ha), Khu công nghiệp Cây Trường (700 ha), KCN Amata Long Thành (410 ha) tại miền Nam và KCN Thuận Thành 1 (250 ha) tại miền Bắc.
Tuy nhiên, do độ trễ về thời gian từ lúc được chấp thuận chủ trương đầu tư, khởi công đến khi sẵn sàng cho thuê (3 - 5 năm) nên tỷ lệ lắp đầy vẫn duy trì ở mức cao 80% tại miền Bắc và 85% tại miền Nam. Điều này cho thấy nhu cầu thuê đất và nhà xưởng vẫn đang tăng cao hậu đại dịch.
Hồi tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 với tổng diện tích khu công nghiệp trên cả nước kế hoạch đến năm 2025 đạt 152.800 ha và năm 2030 đạt 210.900 ha.
Theo đó, các trung tâm công nghiệp tập trung vào các tỉnh thành vệ tinh của thành phố lớn bao gồm 5 tỉnh miền Nam (Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Long An, Bình Phước) chiếm đến 31,2% tổng diện tích khu công nghiệp năm 2025 và 6 tỉnh miền Bắc (Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Ninh) chiếm 17,6% tổng diện tích khu công nghiệp năm 2025 của cả nước.
Trong báo cáo mới đây, nhóm phân tích của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, thị trường bất động sản công nghiệp năm 2022 sẽ vẫn khả quan nhờ một số yếu tố.
Đơn cử như nguồn cung hạn chế và nhu cầu phục hồi vẫn là yếu tố giúp giá cho thuê đất khu công nghiệp duy trì ở mức cao; hoạt động sản xuất kinh doanh không còn bị gián đoạn do dịch bệnh; vấn đề pháp lý được giải quyết giúp các doanh nghiệp có thể triển khai để đáp ứng nhu cầu và cuối cùng là triển vọng về cải thiện hạ tầng giao thông được đẩy nhanh trong trung hạn.