|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhiều doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp đặt kế hoạch đi lùi trong năm 2022

07:57 | 25/04/2022
Chia sẻ
Nhìn vào kế hoạch kinh doanh năm 2022 của nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, chỉ có rất ít doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, còn lại đều đặt kế hoạch đi lùi.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khu công nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận giảm trong năm nay. (Ảnh: Becamex).

Năm 2021 là một năm đầy khó khăn, biến động đối với các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng. Cao điểm trong quý III, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 khiến hầu hết các giao dịch đều phải tạm dừng.

Tính đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam đã và đang dần mở cửa nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp bất động sản, trong đó có nhóm kinh doanh khu công nghiệp (KCN) đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022. Điểm nhấn đáng chú ý là chỉ có một vài doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi lớn.

Đơn cử, Tổng công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt 15.000 tỷ đồng, tăng 34% so với mức thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến tăng 10% lên 1.700 tỷ đồng, là mức kế hoạch cao nhất so với kết quả các năm trước đây.

Doanh nghiệp cho biết sẽ thành lập các pháp nhân mới để triển khai các dự án đầu tư KCN mới tại các địa phương trong năm nay như: Phú Thọ (450 ha), Quảng Ninh (425 ha), Thái Nguyên (900 ha, trong đó 700 ha KCN và 200 ha Đô thị - dịch vụ), Yên Bái (380 ha), Lạng Sơn (560 ha), Khánh Hòa (290 ha), cùng các KCN tại phía Nam khác.

Ông lớn bất động sản KCN phía Nam là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC - Mã: BCM) cũng đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng trong năm 2022 với tổng doanh thu đạt 9.680 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.888 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% và 98% so với kết quả thực hiện năm 2021.

Tương tự, CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC - Mã: IJC) đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2022 đạt 2.829 tỷ đồng, LNST là 685 tỷ đồng, tăng lần lượt là 8% và 10% so với kết quả thực hiện năm 2021.

 

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của nhóm doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp. (Nguồn: H.L tổng hợp). * Riêng Viglacera lợi nhuận trước thuế. 

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành còn lại đều đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi. Cụ thể, CTCP Long Hậu (Mã: LHG) đặt kế hoạch tổng doanh thu 781 tỷ đồng (không biến động) và lợi nhuận sau thuế gần 111 tỷ đồng; lần lượt giảm gần 63% so với kết quả thực hiện trong năm 2021.

CTCP Sonadezi Châu Đức (Mã: SZC) đặt kế hoạch doanh thu năm nay đạt gần 775 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, doanh thu cho thuê đất, nhà xưởng đạt hơn 381 tỷ đồng; doanh thu từ phí đường bộ đạt 35 tỷ đồng; kinh doanh khu dân cư Sonadezi Hữu Phước đạt hơn 277 tỷ đồng và từ các doanh thu khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế sụt giảm tới 43% xuống 184 tỷ đồng.

Với CTCP Sonadezi Long Thành (Mã: SZL), doanh nghiệp đặt kế hoạch tổng doanh thu năm nay đạt hơn 428 tỷ đồng và LNST hơn 92 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và giảm 9% so với thực hiện năm 2021.

Trong năm nay, công ty cũng sẽ đẩy mạnh công tác tiếp thị cho thuê nhà xưởng thuộc cụm xưởng giai đoạn 4, 5, cho thuê đất công nghiệp, đất dịch vụ tại KCN Long Thành, cho thuê nhà xưởng tại KCN Châu Đức. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu cho thuê 7 nhà xưởng xây mới, hai nhà xưởng cũ khách hàng hoàn trả và 7 nhà xưởng cũ khách hành tái ký phụ lục hợp đồng gia hạn tại KCN Long Thành; hai nhà xưởng xây mới tại KCN Châu Đức trong năm nay,…

Năm 2022, CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (Mã: TIP) đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt gần 176 tỷ đồng, tăng 6,5% so với thực hiện năm 2021 do trong điều kiện tình hình mới, Công ty đánh giá việc nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp đi vào hoạt động bình thường các mảng kinh doanh cung cấp dịch vụ trong khu công nghiệp tăng trở lại. Lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 85,6 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với năm trước

Tương tự, CTCP Thống Nhất (Mã: BAX) đặt mục tiêu tổng doanh thu năm nay đạt 225 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm trước. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 49,6 tỷ đồng, giảm 18%.

Ngoài ra, CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (Mã: D2D) cũng dè dặt đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2022 đạt gần 428 tỷ đồng và LNST đạt hơn 121 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và giảm một nửa so với kết quả đạt được năm 2021.

Ngành bất động sản KCN dự báo tiếp tục tăng trưởng

Bất động công nghiệp là một trong những phân khúc đang được đánh giá sẽ có nhiều ưu thế để lấy lại và tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022.

Quan sát trên thị trường những tháng đầu năm nay xuất hiện nhiều thông tin về kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng với đó là hàng loạt dự án được quy hoạch.

Đơn cử, CTCP Đầu tư khu công nghiệp Vinhomes (Vinhomes IZ), công ty con của CTCP Vinhomes (Mã: VHM) mới đây đã đề nghị làm chủ đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes hơn 1.200 ha (tại khu vực CN4, CN5 KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh) và hai cụm công nghiệp số 1 (75 ha), cụm công nghiệp số 2 (68 ha) tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

CTCP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (PDI), công ty con của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR), cũng vừa đề xuất nghiên cứu ba KCN có tổng diện tích 2.000 tại Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, bao gồm: KCN Cao Lãnh, KCN Cao Lãnh II và KCN Cao Lãnh III.

CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) bắt tay VinaCapital và đối tác Singapore đầu tư tổ hợp công nghiệp 500 ha và 200 ha đô thị nhà ở công nhân chuyên gia, nhà ở xã hội tại Bắc Giang. Các dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến 2,5 tỷ USD.

Hay như một doanh nghiệp ngoài ngành là Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), đơn vị thành viên của CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI), đã ký kết hợp tác cùng CTCP Shinec nghiên cứu đầu dự án KCN Ninh Sơn có quy mô 600 ha tại, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa,…

Theo nhận định của ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, trong vòng vài năm tới, thị trường sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của loại hình bất động sản công nghiệp, đặc biệt khi các nhà đầu tư quốc tế hiện đang tích cực tìm kiếm mặt bằng để phục vụ cho việc xây dựng và phát triển các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Theo vị chuyên gia này, có nhiều lý do tạo nên sự hấp dẫn của ngành bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể, đất công nghiệp ở Việt Nam có mức giá tương đối hợp lý, có nhiều nhà phát triển bất động sản uy tín cùng với chính sách pháp lý phù hợp. Đây là những yếu tố giúp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. 

Bên cạnh đó, có thể kể đến các yếu tố khác như dân cư, dân số lao động, chi phí nhân công, mạng lưới giao thông thuận tiện và khả năng tiếp cận các cảng và sân bay quốc tế, nhằm phục vụ việc xuất nhập khẩu thành phẩm và sản phẩm,…

Hà Lê