|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thu hút đầu tư tại Kiên Giang giảm mạnh, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 đến 22.660 tỷ đồng

12:55 | 15/10/2021
Chia sẻ
Trong 9 tháng 2021, Kiên Giang cấp mới 10 quyết định chủ trương đầu tư, quy mô trên 41 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1.950 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2020 giảm 38 dự án, giảm vốn đăng ký đầu tư trên 22.660 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư tại Kiên Giang giảm mạnh, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 đến 22.660 tỷ đồng  - Ảnh 1.

Một góc TP Rạch Giá - Kiên Giang. (Ảnh: kiengiang.gov.vn).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, lũy kế đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 817 dự án được cấp chủ trương trên các lĩnh vực, ngành nghề với quy mô hơn 40.758 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 811.145 tỷ đồng.

Trong đó, có 374 dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư gần 64.000 tỷ đồng, chiếm hơn 11,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo đó, 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh có 112 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, chủ yếu là dự án chuyển tiếp, chỉ có 3 dự án khởi công mới, đã thực hiện giải ngân vốn đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, cũng trong 9 tháng qua, địa phương này chỉ cấp mới 10 quyết định chủ trương đầu tư, quy mô trên 41 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1.950 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2020 giảm 38 dự án, giảm vốn đăng ký đầu tư trên 22.660 tỷ đồng.

Theo lãnh tỉnh Kiên Giang, thu hút đầu tư, triển khai thực hiện các dự án 9 tháng đầu năm nay chưa đạt so với nhu cầu đầu tư, giá trị giải ngân vốn đầu tư đạt thấp so cùng kỳ, chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh, còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, làm hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

Ngoài ra, xuất phát điểm của Kiên Giang thấp, nằm cách xa các trung tâm kinh tế lớn, cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ; các tuyến đường kết nối, liên kết vùng trên địa bàn tỉnh như Quốc lộ 80, đường hành lang ven biển phía Nam, tuyến đường ven biển… chưa được đầu tư hoàn thiện.

Hiện các nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực phát triển dịch vụ, du lịch, đô thị mà chưa quan tâm phát triển các lĩnh vực khác có thế mạnh như: Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, điện năng lượng mặt trời và nhất là nuôi trồng thủy sản trên biển.

Ngoài ra, nhà đầu tư thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư còn nhiều khó khăn, mất thời gian khâu lập quy hoạch, lập dự án khả thi, thiết kế cơ sở, phòng cháy chữa cháy, định giá đất, giao đất, thủ tục chuyển nhượng mục đích sử dụng đất… làm chậm, hạn chế số lượng dự án khởi công đầu tư xây dựng.

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng giao đất cho nhà đầu tư thực hiện chậm, không có mặt bằng để kêu gọi đầu tư, giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, dẫn đến chậm thực hiện đầu tư xây dựng, giá trị giải ngân thấp.

Để khắc phục các tồn tại, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang chỉ đạo tỉnh chú trọng các giải pháp cắt giảm và đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính, thực hiện tốt chuyển đổi số, nhân rộng một số ứng dụng, mô hình có hiệu quả.

Trong thời gian tới, Kiên Giang cho biết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ tổ chức lập điều chỉnh, cập nhật bổ sung quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đề án cho thuê môi trường rừng; tiếp tục rà soát, bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư để làm cơ sở kêu gọi đầu tư, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Đồng thời, Kiên Giang sẽ tập trung hoàn thành các phương án xác định giá đất để giải phóng mặt bằng, giao đất cho các dự án đã được cấp chủ trương; phấn đấu ba tháng cuối năm 2021, giải ngân nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào khu chức năng Khu kinh tế Phú Quốc đạt 20.000 tỷ đồng, các khu công nghiệp và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên khoảng 615 tỷ đồng.

Mới đây, Kiên Giang vừa công bố thông tin kêu gọi đầu tư 55 dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với số vốn dự kiến hơn 39.000 tỷ đồng. Trong đó có 9 dự án khu dân cư, đô thị.

Khải An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.