|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thông tin vĩ mô quý II và KQKD của các doanh nghiệp niêm yết tác động thế nào đến thị trường chứng khoán?

17:44 | 28/06/2022
Chia sẻ
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng kinh tế vĩ mô, mảng thông tin được đánh giá đang và đã sẽ còn tác động rất lớn đến thị trường.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình).

Lạm phát, xu hướng lãi suất trong nước và quốc tế luôn được nhận định là một trong những yếu tố chi phối diễn biến của thị trường. Tuy nhiên các thông tin từ kinh tế vĩ mô quý II và sơ bộ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đang dần hé lộ và sẽ có tác động nhất định lên diễn biến của thị trường chứng khoán.

Chia sẻ trong chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng kinh tế vĩ mô, mảng thông tin được đánh giá đang và đã sẽ còn tác động rất lớn đến thị trường.

Đặc biệt mảng thông tin này sẽ được chú ý nhiều hơn khi thời điểm hiện tại chúng ta đang ở tuần cuối cùng của tháng 6, cho nên tin tức về kinh tế vĩ mô rất quan trọng và được nhận định là một trong những yếu tố kỳ vọng để các nhà đầu tư có thể lạc quan trong thời gian tới.

Ví dụ như tuần này, trong nước sẽ công bố tất cả các chỉ tiêu của kinh tế vĩ mô tháng 6 và 6 tháng đầu năm. Nội dung có thể xoay quanh tăng trưởng GDP có tốt hay không, lạm phát trong nước thế nào, lãi suất biến động ra sao, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như việc xuất nhập khẩu trong thời gian vừa qua, có giúp cho nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ hay không?

Đối với tin tức quốc tế, Cục dự trữ Liên bang Mỹ công bố thông tin liên quan đến GDP hay những bài phát biểu của các thành viên trong Fed; qua đó trong thời gian tới thị trường có thể dự phóng lạm phát đã có những yếu tố thay đổi theo chiều hướng tích cực hay chưa, hay định hướng của Fed khi mà lạm phát thuyên giảm có làm chậm lại quá trình tăng lãi suất hay không. Ông Ngọc đánh đây là những yếu tố mà các nhà đầu tư quan tâm nhất trong tuần này.

Theo chuyên gia, sau những diễn biến tích cực của thế giới ở tuần trước, đây chính là một khởi đầu khá suôn sẻ. Những thông tin tiêu cực đã được phản ánh rất rõ ràng trong tuần trước, còn những tin tức liên quan tăng trưởng GDP Việt Nam, Mỹ hay châu Âu ở tuần này sẽ đều có sự cải thiện.

Việt Nam vắng bóng trong danh sách nâng hạng của MSCI không phải thông tin bất ngờ

Đối với vấn đề MSCI chưa nâng hạng Việt Nam ở giai đoạn này, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết đánh giá đây không phải vấn đề bất ngờ với thị trường; từ kỳ trước cho tới kỳ này, chúng ta chưa có nhiều cải thiện mà đáng lẽ trong 1 năm hay trong 6 tháng chúng ta đã phải có những cải thiện rõ ràng hơn.

“Khi chúng ta nhìn nhận thấy tiến trình diễn ra chậm, theo góc nhìn cá nhân của tôi những kỳ vọng chúng ta đặt vào năm 2023 tương đối khó để xảy ra. Chúng ta có thể khắc phục phần lớn những tiêu chí từ tổ chức xếp hạng đưa ra vào năm 2024”.

Ông Ngọc dẫn chứng: “Tiêu chí liên quan đến việc tiếp cận thông tin với nhà đầu tư nước ngoài; hiện nay khi công bố thông tin chúng ta chỉ sử dụng bằng ngôn ngữ tiếng Anh và việc công bố thông tin bằng tiếng Anh vẫn chưa được đều đặn, không được cụ thể.

Nếu chúng ta có thể cải thiện việc tăng chế tài khiến các doanh nghiệp bắt buộc phải công bố thông tin song ngữ, như vậy các doanh nghiệp niêm yết cũng phải cố gắng.

Hay vấn đề “room” cho khối ngoại chưa được cải thiện nhiều, đặc biệt những nhóm ngành mang tính chất dẫn dắt trên thị trường vẫn bị giới hạn ở một tỷ lệ rất chặt chẽ. Ngoài ra, yêu tố liên quan đến thanh khoản đang có xu hướng giảm.

Thêm một yếu tố nữa được đánh giá rất khó để xử lý ngắn hạn chính là tự do giao dịch tiền tệ, chúng ta có thể tốn hàng năm để giải quyết. Yếu tố liên quan đến các hệ thống giao dịch mới vẫn chưa được hợp nhất, do chưa có hệ thống KRX, hay thậm chí những sản phẩm mới liên quan đến giao dịch trong ngày hay những sản phẩm phái sinh khác để phòng ngừa rủi ro chúng ta đều chưa có.

Tôi nghĩ đây là những yêu tố quan trọng, nếu trong vòng 12 tháng đến 18 tháng, chúng ta có thể xử lý 60 - 70% các vấn đề được đặt ra, đấy chắc chắn sẽ là nguồn tin vô cùng tích cực.

Thu Thảo