|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thời kỳ phục hồi giá cao su đã đến?

07:53 | 17/04/2021
Chia sẻ
Giá cao su tăng vọt trong bối cảnh nguồn cung từ các nước dần khan hiếm nhưng nhu cầu lại phục hồi sau thời gian gián đoạn vì dịch COVID-19.

Xuất khẩu cao su tăng vọt về lượng và giá trị

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su đạt khoảng 435.000 tấn, trị giá 722 triệu USD, tăng 89,7% về lượng và tăng 116,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng trong tháng 3/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 140.000 tấn, trị giá 243 triệu USD, tăng 33,6% về lượng và tăng 40,3% về trị giá so với tháng 2/2021.

Còn so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cao su tháng 3 tăng đến 130,7% về lượng và tăng 178,5% về trị giá.

Thời kỳ phục hồi giá cao su đã đến? - Ảnh 1.

(Nguồn: Bộ Công Thương. Tổng hợp: Như Huỳnh)

Không chỉ vậy, giá xuất khẩu cũng ghi nhận dấu hiệu tích cực. Điển hình như giá bán cao su bình quân hai tháng đầu năm của Công ty Cao su Đồng Phú (Mã: DPR) đạt 46 triệu đồng/tấn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC).

Công ty Cao su Tây Ninh (Mã: TRC) ghi nhận giá bán bình quân 46,3 triệu đồng/tấn, tăng 35% so với mức bình quân 2020.

Còn theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương mức giá cao su bình quân tháng 3 tăng 5% so với tháng 2/2021 nhưng tăng 20,7% so với tháng 3/2020, lên mức 1.736 USD/tấn.

Thời kỳ phục hồi giá cao su đã đến? - Ảnh 2.

(Nguồn: Bộ Công Thương. Tổng hợp: Như Huỳnh)

Đâu là nguyên nhân?

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội cao su - nhựa TP HCM, cho biết: "Sau dịch, nhu cầu tại các thị trường dần hồi phục, nhu cầu thu mua cao su từ các nhà sản xuất tăng lên, là nguyên nhân khiến xuất khẩu cao su quý I tăng tốt hơn năm ngoái".

Còn theo Chế biến và phát triển thị trường nông sản giá cao su tăng do yếu tố mùa vụ cùng với việc Trung Quốc tăng thu mua trở lại để phục vụ ngành công nghiệp ô tô ở Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trở lại và nhu cầu găng tay cao su vẫn duy trì đang đẩy giá cao su tăng lên.

Trong khi đó, nguồn cung cao su nội địa của Trung Quốc đã sụt giảm mạnh do các vườn trồng cao su bị ảnh hưởng mạnh do hạn hán và bão lũ trong năm 2020. 

Do đó, đây có thể được xem là một phần nguyên nhân Trung Quốc đẩy mạnh gom mua cao su của Việt Nam trong thời gian qua với lượng nhập khẩu đạt trên 217.400 tấn, trị giá gần 342 triệu USD, tăng 99% về lượng và tăng 118% về trị giá.

Số liệu của Tổng cục hải quan cũng cho thấy hầu hết các chủng loại cao su Việt Nam xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân đều tăng mạnh cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2020. 

Đặc biệt, xuất khẩu cao su Latex tăng 1.959,9% về lượng và tăng 2.459,4% về trị giá; cao su tổng hợp tăng 17.350% về lượng và tăng 6.292% về giá.

Thời kỳ phục hồi giá cao su đã đến? - Ảnh 1.

Xuất khẩu cao su tháng 3 tăng 130,7% về lượng và tăng 178,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: VRG)

Cũng theo ông Quốc Anh: "Tình hình tăng giá lần này chưa phải đỉnh so với những lần trước. Nhưng lần này có thể là chu kỳ mới tăng giá mới, tuy không biết nó sẽ kéo dài bao lâu nhưng nó cũng khá cao".

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho giá mủ cao su tăng cao là do sản lượng mủ đang bị thiếu hụt so với nhu cầu.

Theo số liệu của Hiệp hội các nước sản xuất khẩu cao su tự nhiên, sản lượng cao su tự nhiên thế giới tháng 2/2021 ước đạt 897.000 tấn, giảm 12,4% so với tháng 2/2020. Trong khi đó, mức tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu trong tháng 2/2021 ước đạt 1,1 triệu tấn, tăng tới 47,5% so với tháng 2/2020.

Chia sẻ với Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Văn Vui, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long cho biết hiện nay, lượng mủ cao su ở Việt Nam đang khan hiếm. Do đó, giá cao su đang có xu hướng tăng lên. Theo đó, giá mủ cao su bình quân trong cả năm nay có thể ở mức 35 triệu đồng/tấn, cao hơn so với dự kiến ban đầu là 33 triệu đồng/tấn.

Ngoài ra, việc các quốc gia phần nào kiểm soát được dịch COVID-19, cộng với việc triển khai tiêm vắc xin ở nhiều nước, đã tạo được niềm tin cho phục hồi sản xuất. Nhờ đó, những đứt gãy trong chuỗi cung ứng đã được khắc phục, giá cao su từ đó phục hồi trở lại.

Nhiều dự báo tích cực về giá cao su năm 2021

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng thời gian tới, giá cao su có thể tiếp tục tăng do kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh sau số liệu kinh tế vững chắc từ Trung Quốc và triển vọng tăng trưởng từ nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên 6% trong năm 2021, từ mức 5,5% trước đó do triển vọng kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn sau gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD.

Trong khi đó, nguồn cung có thể bị gián đoạn do yếu tố thời tiết, sản lượng tại các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Malaysia có thể giảm khi mùa đông bắt đầu, cây cao su rụng lá và cho sản lượng mủ thấp. Nhờ vậy, giá bán cao su dự kiến tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, xuất khẩu lốp xe của Trung Quốc dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức tương đối tốt trong ngắn hạn khi dịch bệnh trên thế giới giảm xuống.

Hãng sản xuất cao su Thái Lan, Sri Trang (SET) cũng dự báo nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 sẽ ở mức 13,4 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2020, phần lớn do Trung Quốc tăng thu mua trở lại để phục vụ ngành công nghiệp ô tô đang hồi phục mẽ.

Còn theo Tổ chức nghiên cứu cao su Quốc tế (IRSG) nhận định nhu cầu cao su tự nhiên thế giới năm 2021 sẽ hồi phục nhờ tăng trưởng của phân khúc xe thương mại, chủ yếu nhờ thị trường của những nước mới nổi.

Những tín hiệu này dự báo triển vọng một năm tích cực cho các doanh nghiệp cao su, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều thách thức trong năm 2021 khi tình hình xuất khẩu bị hạn chế trong bối cảnh thị trường thiếu container để vận chuyển. 

Bên cạnh đó, trên thế giới, mặc dù nhiều nước đã triển khai tiêm vắc xin nhưng tình hình dịch bệnh quay trở lại với biến chủng mới tốc độ siêu lây nhiễm áp lực lên các ngành sản xuất trong đó có ôtô, do đó thị trường xuất khẩu cao su còn nhiều khó khăn trong năm 2021.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hội cao su - nhựa TP HCM mặc dù giá cao su tăng mang về giá trị xuất khẩu lớn cho ngành hàng nói chung nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất cao su thành phẩm đang đối diện bài toán khó.

"Với việc giá cao su tăng cùng với giá nguyên phụ liệu cao su cũng tăng đột biến từ đầu năm đến nay với mức tăng 30-60% đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gặp khó khăn vì giá bán không tăng được.

Nguyên nhân do thời gian dịch bệnh nhu cầu xuống thấp, các nhà sản xuất đã giảm công suất nhưng sau khi dịch ổn định hơn, tình hình sản xuất của các ngành hàng dần trở lại nhưng các nhà sản xuất này vẫn chưa kịp hồi phục", ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.

Như Huỳnh