|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thời điểm bùng nổ M&A các ngân hàng tại châu Âu

06:29 | 12/09/2019
Chia sẻ
Sự phân mảnh của môi trường ngân hàng Châu Âu đang ngăn cản các tổ chức tín dụng lâu năm tại đây cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu.

Châu Âu đang có quá nhiều ngân hàng. Liên minh châu Âu là khu vực trụ sở của 6.250 tổ chức tín dụng, trong số đó có 4.769 tổ chức nằm trong khu vực sử dụng đồng euro - một con số đặc biệt đáng chú ý. 

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có 4.398 ngân hàng nội địa vào năm 2016 - một con số khiêm tốn đối với quốc gia có dân số gần gấp 4 lần khu vực dùng đồng euro.

Số lượng lớn các tổ chức tài chính tại châu Âu không phải là vấn đề nếu tất cả đều hoạt động tốt. Tuy nhiên, lợi nhuận trung bình trên vốn chủ sở hữu, chỉ số được sử dụng để đánh giá mức độ hấp dẫn của ngành ngân hàng với các nhà đầu tư, chỉ ở mức 6,2% đối với các tổ chức tài chính tại EU vào quí IV/2018. Ngược lại, các ngân hàng Mỹ đạt 11,96% trong cùng kì.

Trong bối cảnh này, khả năng hợp nhất được xem như giải pháp dễ dàng nhất cho vấn đề của ngân hàng Châu Âu. Gần đây nhất, tin đồn về quyết định sáp nhập hai ngân hàng lớn nhất châu lục là Deutsche Bank và Commerzbank đang thu hút sự chú ý lớn từ giới đầu tư và chuyên gia tài chính.

Dù các ngân hàng Đức đã từ chối nói về thương vụ này với do lo ngại về tính khả thi, vấn đề sáp nhập vẫn là điểm nóng trong ngành ngân hàng của cả khu vực. 

Trên thực tế, hai trong số những nhân vật cấp cao nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là Phó Chủ tịch Luis de Guindos và nhà hoạch định chính sách François Villeroy de Galhau đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương này.

Nhiều người tin rằng đây có thể là thời điểm bùng nổ M&A bởi một sự kiện như vậy có thể loại bỏ nhiều khó khăn về lợi nhuận mà các ngân hàng Châu Âu hiện đang vật lộn đối phó bằng cách giảm chi phí hoạt động cũng như cung cấp thị trường rộng hơn ở cấp độ toàn cầu. 

Tuy nhiên, sáp nhập cũng mang lại rủi ro. Nó đồng nghĩa với gia tăng giám sát pháp , áp lực từ chính phủ lớn hơn và nhiều nguy cơ khủng hoảng tài chính khác. Đây là những yếu tố các ngân hàng phải cân nhắc trước khi hợp nhất.

F06-Europe-consolidate-banks-1376x1032

Các ngân hàng châu Âu đang mắc phải những yếu điểm lớn có thể kéo theo sự suy yếu của cả ngành tài chính khu vực so với Mỹ và châu Á. Ảnh: World Finance.

Thị trường phân mảnh nhỏ lẻ

Lorenzo Codgno, cựu chuyên gia kinh tế tại Bộ Tài chính của Bộ Kinh tế và Tài chính Italy cho rằng các ngân hàng Châu Âu chỉ đơn giản là không có qui mô đủ lớn để cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu. 

Qui mô tương đối nhỏ của mỗi tổ chức khiến việc giao dịch trở nên khó khăn hơn đáng kể, đặc biệt khi cạnh tranh với các đối tác Mỹ về phí tư vấn hoặc bảo lãnh M&A. 

JPMorgan và Goldman Sachs đã phải chào bán cổ phần do thiếu các ngân hàng châu Âu đủ mạnh để hỗ trợ tăng 7,1 tỉ euro (8,02 tỉ USD) vốn hoá thị trường mà họ đang tìm kiếm.

Là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, JPMorgan có vốn hóa thị trường riêng hơn 380 tỉ USD. Ngay cả khi buộc phải mua toàn bộ cổ phần của một ngân hàng tư nhân như Adyen của Hà Lan, chi phí chỉ chiếm một khoản tương đối nhỏ so với khả năng tài chính của họ. 

Trong khi đó, đối với ngân hàng lớn nhất Châu Âu, Santander (vốn hóa thị trường là 80 tỉ euro tương đương 90,36 tỉ USD), một vụ sáp nhập như vậy sẽ là vấn đề lớn hơn nhiều. 

"Nếu các ngân hàng châu Âu không thể cung cấp dịch vụ tương đương các ngân hàng quốc tế, họ sẽ mất khả năng thương mại và các công ty châu Âu sẽ phải dựa vào những ngân hàng bên ngoài châu Âu để kinh doanh toàn cầu", ông Codgno nói thêm.

Do thị trường ngày càng chật hẹp, các ngân hàng Châu Âu cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước láng giềng cũng như từ các đối tác bên kia Đại Tây Dương. Do đó, họ phải liên tục ganh đua để cung cấp chi phí tín dụng thấp nhất trong khi vẫn duy trì tỉ suất lợi nhuận khả thi. 

Điều này trở nên khó khăn hơn bởi thực tế là chi phí hoạt động và tuân thủ pháp lí ở châu Âu cao hơn nhiều so với Mỹ, một phần do EU đã thất bại trong việc xây dựng một liên minh ngân hàng hỗ trợ một loại tiền tệ duy nhất.

"Nguồn vốn không phát triển và thanh khoản thực sự không thể tự do chảy trong khu vực đồng euro", ông Codgno nói với World Finance. Do thiếu ràng buộc về thể chế và pháp giữa các quốc gia, việc giao dịch trở nên phức tạp và tốn kém hơn, các ngân hàng có xu hướng dựa vào thị trường nội địa hơn là tìm hiểu thương mại ở quốc gia khác. 

Theo ông Guindos, trở ngại này khó có thể giải quyết trong tương lai gần và động lực chính trị để xây dựng liên minh ngân hàng đang biến mất.

Codgno cho biết việc đạt được sự hài hòa toàn diện cho khung pháp  là không thể thực hiện bởi các hệ thống pháp luật trên khắp châu Âu hoàn toàn khác nhau. "Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đạt được sự hài hòa tối thiểu để có mối quan hệ hiệu quả là khả thi", ông nói thêm.

Yếu điểm từ bên trong

Ông Codeco cho biết, các ngân hàng của Châu Âu đã tái cấp vốn rất nhiều so với các giai đoạn ban đầu của cuộc khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn có danh mục đầu tư lớn dành cho trái phiếu chính phủ và do đó họ trở nên rất mong manh. 

Nếu có những biến động đáng kể trên thị trường hoặc suy yếu trong nền kinh tế, họ có thể ngay lập tức hết vốn.

Hợp nhất giữa các ngân hàng với một khoản nợ đáng kể trên sổ sách của họ cũng có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ nền kinh tế lục địa trong trường hợp khủng hoảng tài chính khác. 

Tạo ra loại tổ chức 'quá lớn để thất bại' thống trị ngành ngân hàng Mỹ trước năm 2008 có nghĩa là tập trung một lượng vốn khổng lồ vào một số lượng rất nhỏ các tổ chức, nếu họ thất bại, phải được chính phủ bảo lãnh, như trường hợp năm 2008 ở Mỹ. 

Ngày nay, nhiều chính phủ của Châu Âu không có khả năng đưa ra hình thức cứu trợ tương tự do nợ ở dạng trái phiếu. Nếu các ngân hàng này hợp nhất và sau đó gặp khó khăn, chính phủ chắc chắn không thể bảo lãnh cho họ. 

Tương lai nào cho các ngân hàng châu Âu?

Dù sáp nhập có thể mang lại cho các ngân hàng nhiều đòn bẩy hơn về mặt giao dịch nhưng không thể khiến họ hấp dẫn hơn đối với khách hàng. Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã làm dấy lên sự ngờ vực lớn đối với giới tài chính, khiến nhiều người cho rằng suy thoái kinh tế bắt nguồn từ việc cho vay vô trách nhiệm để tăng lợi nhuận của các ngân hàng.

Tư duy này đến nay vẫn chưa biến mất và bất cứ ngân hàng nào muốn phát triển thông qua M&A cần phải nhận thức được thực tế này để chứng minh mức độ đáng tin cậy thông qua việc tuân thủ hoặc đầu tư vào công nghệ nhằm mang lại trải nghiệm cá nhân hóa tốt hơn.

Tái cấu trúc lớn, giảm nhân sự và thay đổi thái độ phục vụ cũng là chìa khóa thành công tiếp theo cho các ngân hàng châu Âu, theo Codogno. Nhân viên ngân hàng phải trở nên chủ động hơn rất nhiều trong việc kinh doanh và cung cấp dịch vụ tư vấn cho khách hàng thay vì chỉ đóng vai trò trung gian. 

Cuối cùng, câu hỏi về việc sáp nhập chỉ nhắm tới mục đích lớn nhất của giới ngân hàng trong bối cảnh tài chính toàn cầu rối loạn. Đối với các ngân hàng đầu tư đang vật lộn để cạnh tranh trong lĩnh vực giao dịch, việc liên kết với các đối thủ cạnh tranh sẽ giúp họ có ảnh hưởng ở cấp độ quốc tế, giúp họ thu được nhiều phí tư vấn và bảo lãnh hơn, mang lại lợi nhuận cao hơn cho cổ đông. 

Đối với các ngân hàng tư nhân nhỏ lẻ, hợp nhất chắc chắn sẽ mang lại lợi ích về qui mô kinh tế nhưng không nên đánh đổi quá nhiều bởi cuối cùng, sự hiện diện toàn cầu là quan trọng nhưng thu hút và giữ chân khách hàng phải luôn là ưu tiên hàng đầu.

Thu Phương