|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thời của sức sáng tạo và khởi nghiệp

14:38 | 31/01/2017
Chia sẻ
Sự bừng nở của doanh nghiệp mới và làn sóng khởi nghiệp dấy lên rộng khắp được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gọi là “tấm phiếu bầu” của cộng đồng doanh nghiệp cho Chính phủ. Một thế hệ mới của doanh nghiệp Việt Nam đang rõ hình hài…
thoi cua suc sang tao va khoi nghiep
Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu ý kiến trong một buổi thảo luận tại tổ, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV

Thưa ông, 2016 là một năm kinh doanh không hẳn thuận lợi, song lại là năm ghi nhận kỷ lục mới trong thành lập doanh nghiệp. Ông cũng đã nói đây là minh chứng cho sự ứng trước niềm tin của doanh nghiệp với Chính phủ kiến tạo, liêm chính…

Tôi muốn nhắc lại cuộc gặp doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngay sau khi nhậm chức vào tháng 4/2016. Trong cuộc gặp đó, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết về một Chính phủ hành động, Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo.

Chỉ 15 ngày sau đó, Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành với hàng loạt đầu việc cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, từ quy định không thanh tra, kiểm tra chồng chéo đến việc không hình sự hóa các hoạt động kinh tế…

Công nghệ số làm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn nhanh hơn và thế giới nhỏ lại, khiến lợi thế về quy mô doanh nghiệp giảm đi.

Lần đầu tiên, Chính phủ nhắc tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Lần đầu tiên, Chính phủ áp đặt cơ chế đối thoại với doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Lần đầu tiên, Chính phủ buộc các địa phương phải ký cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp với những tiêu chí cụ thể.

Ngay sau đó, 50 nghị định quy định về điều kiện kinh doanh được ban hành, bất chấp nhiều ý kiến đề nghị xin lùi lại của các bộ, ngành. Lần đầu tiên, giấy phép con chính thức bị xóa sổ.

Vào những ngày cuối năm này, hàng loạt cam kết thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ đưa ra…

Tất cả những thông điệp, hành động đó đã xốc lại tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp của người dân và tôi nói rằng, kỷ lục về đăng ký doanh nghiệp và làn sóng khởi nghiệp đang bỏ phiếu cho Chính phủ là vì vậy.

Nhưng cũng chính vì là niềm tin ứng trước, nên nếu môi trường kinh doanh không thực sự thay đổi theo những cam kết của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp, niềm tin ứng trước quá lâu sẽ khiến doanh nghiệp mất đà.

Đây là điều cộng đồng doanh nghiệp trông đợi vào Chính phủ kiến tạo và hành động trong năm 2017.

Hơn thế, phải thẳng thắn rằng, Chính phủ kiến tạo không chỉ tạo ra luật chơi, mà cần dẫn dắt, định hướng sự phát triển. Doanh nghiệp khởi nghiệp ở đâu, lĩnh vực nào đang cần bàn tay của Nhà nước thông qua cơ chế, chính sách.

Ông đã nhìn thấy sự đồng hướng, đồng tốc giữa sự phát triển, sáng tạo của doanh nghiệp và định hướng của Chính phủ kiến tạo chưa, thưa ông?

Các nhà doanh nghiệp cũng đang nhìn vào danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa từ nay tới năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành để tìm cơ hội kinh doanh. Chính sự rút chân của Nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp nhà nước là cơ hội lớn để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào những lĩnh vực quan trọng, có lợi thế của nền kinh tế.

Đặc biệt, có thể nói, đây là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam đi nhanh hơn trong nỗ lực len chân vào chuỗi sản xuất hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng của thế giới.

Chưa bao giờ tôi thấy các doanh nhân nói nhiều về kế hoạch đầu tư vào nông nghiệp đến thế. Nhiều thanh niên, sinh viên tốt nghiệp đại học cũng đã rời thành phố về nông thôn để trồng rau hữu cơ, làm bún sạch, nuôi gà, nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP… Các tiến sỹ cũng đã ra khỏi bàn giấy, nghiên cứu mô hình sản xuất mới trên nền tảng công nghệ và tiêu chuẩn mới của thế giới.

Các sản phẩm có thể vẫn cũ, là các sản vật đặc sản của các vùng quê Việt Nam, nhưng được tổ chức sản xuất theo mô hình mới, tiêu chuẩn mới và đặc biệt là sử dụng nền tảng Internet để gắn với thị trường toàn cầu. Chưa bao giờ các hộ sản xuất lại đến gần với thị trường tiêu thụ đến vậy trong mô hình sản xuất mới.

thoi cua suc sang tao va khoi nghiep
Thách thức lớn của doanh nghiệp Việt Nam vẫn là năng lực cạnh tranh để thắng trong hội nhập, để không bị loại ra khỏi cuộc chơi toàn cầu

Sức sáng tạo của doanh nghiệp cộng với công nghệ và Internet cho phép các hộ kinh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ nhanh chóng nâng mình theo chuẩn mực mới của thế giới. Hay nói một cách khác, công nghệ số làm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn nhanh hơn và thế giới nhỏ lại, khiến lợi thế về quy mô doanh nghiệp giảm đi. Đây là thời của sức sáng tạo và các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tuy nhiên, các xu hướng mới chỉ bắt đầu. Thách thức lớn của doanh nghiệp Việt Nam vẫn là năng lực cạnh tranh để thắng trong hội nhập, để không bị loại ra khỏi cuộc chơi toàn cầu, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và không bị động trước biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp và khốc liệt.

Chính trong lúc này, doanh nghiệp cần Chính phủ hành động thực sự vì sự phát triển của người dân và doanh nghiệp.

Còn VCCI sẽ làm gì để thúc đẩy tiến trình này, thúc đẩy sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam?

Cách đây gần 20 năm, vào năm 1998, VCCI đã khởi động phong trào khởi nghiệp kinh doanh. Khi đó, chương trình đào tạo khởi sự doanh nghiệp và tăng cường khả năng kinh doanh (SIYB) do VCCI và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện nhằm hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp nắm vững các vấn đề cốt lõi khi khởi tạo hoặc quản lý doanh nghiệp là hoạt động đầu tiên tại Việt Nam hướng tới mục tiêu thúc đẩy khởi nghiệp kinh doanh.

Cho đến giờ, chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình này. Với các hoạt động của VCCI, khởi nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng hơn khái niệm start-up (khởi nghiệp sáng tạo). Nền kinh tế Việt Nam đang cần cả những người khởi nghiệp kinh doanh theo nghĩa sáng tạo và khởi nghiệp theo các hình thức khác, bởi cơ hội kinh doanh còn lớn, nhu cầu việc làm của người dân rất lớn.

Để tăng cường năng lực cạnh tranh, tăng khả năng kết nối của doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia, VCCI đã và đang tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác với các hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy các chương trình hỗ trợ năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trước mắt, VCCI đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN về việc thành lập Liên minh Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao năng lực (qua đào tạo, thông tin, tư vấn, chắp mối…) để kết nối với các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ.

Đặc biệt, năm 2017, Hội nghị cấp cao APEC sẽ tổ chức tại Việt Nam. Tôi được Thủ tướng giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh các tổng giám đốc APEC (APEC CEO Summit) và chủ trì các hoạt động doanh nghiệp của năm APEC. Ngoài APEC CEO Summit và APEC BAC, VCCI còn chủ trì Diễn đàn kinh doanh với Việt Nam và Diễn đàn Khởi nghiệp APEC.

Chúng tôi sẽ tận dụng tối đa các cơ hội để kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các nền kinh tế, với các tập đoàn lớn của các nước.

Khánh An (thực hiện)