|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thời của kinh doanh nhượng quyền

10:43 | 25/05/2018
Chia sẻ
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán lẻ, lĩnh vực nhượng quyền kinh doanh cũng đang bước vào cuộc đua để giành thị phần. Hàng loạt cửa hàng thời trang, ẩm thực và tiêu dùng đã mọc lên như nấm sau mưa, từ việc nhượng quyền (franchise).
thoi cua kinh doanh nhuong quyen

Khách hàng mua thực phẩm tại Co.op Food Thanh Đa - cửa hàng nhượng quyền đầu tiên của Saigon Co.op trong năm 2016.

Khối ngoại ồ ạt vào Việt Nam

Những tháng đầu năm 2018, bộ mặt của ngành thương mại TPHCM tiếp tục có sự thay đổi ngoạn mục, với sự xuất hiện dày đặc của nhiều thương hiệu nước ngoài. Tại nhiều con đường, nhiều khu vực của TPHCM đã và đang trở thành “điểm hẹn” của các chuỗi cửa hàng tiện lợi, trà sữa, cà phê và hàng may mặc, tiêu dùng.

Điển hình, đoạn đường D2 chỉ dài khoảng 800m nhưng đã có gần 30 cửa hàng có yếu tố FDI xuất hiện. Đầu tiên là cửa hàng Medicare, Guardian, Ministop, Texas Chicken, Popeyes, Tours les Jours, tiếp theo sau là BoPaPop, Royal Tea, The Pizza Company, Pizza Hut… lần lượt đặt các địa điểm kinh doanh tại đây. Riêng thương hiệu trà sữa Royal Tea đã đặt tới 2 cửa hàng với khoảng cách chưa đầy 500m. Nhiều người dân ở khu vực này cho hay, do các nhà kinh doanh liên tục lùng mặt bằng để mở điểm bán nên giá cho thuê cũng như giá căn nhà không ngừng tăng lên. Được biết, một căn nhà có bề ngang 4m x 20m, chủ nhà chỉ cần cho thuê 2 tầng phía dưới cũng bỏ túi khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng.

Không chỉ tại các đường phố, giờ đây nhiều tòa nhà văn phòng ở khu vực trung tâm cũng đã nhường một phần vị trí đẹp để mở cửa hàng tiện lợi. Trường hợp của cửa hàng GS25 là một ví dụ. Tháng 1-2018 vừa qua, Công ty TNHH GS25 Việt Nam (liên doanh giữa Tập đoàn GS Retail Hàn Quốc và Tập đoàn Sơn Kim Land) đã khai trương cửa hàng tiện lợi GS25 đầu tiên, đặt tại tòa nhà Empress Tower (138-142 Hai Bà Trưng, quận 1). Hệ thống GS25 vào Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền kinh doanh. Đại diện Tập đoàn Sơn Kim Land cho biết, trước mắt họ sẽ mở các cửa hàng tại tất cả các tòa nhà do tập đoàn này quản lý nhằm tăng độ bao phủ, sau đó sẽ tiến ra Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Trong 10 năm tới, GS25 sẽ mở hệ thống 2.500 cửa hàng trên toàn quốc.

Mỗi cửa hàng GS25 có diện tích bình quân 130m2, kinh doanh khoảng 1.600 mặt hàng, từ hàng hóa phẩm, thực phẩm chế biến sẵn, hàng tiêu dùng, trong đó cơ cấu 30% là hàng Hàn Quốc, 60% hàng Việt Nam và các sản phẩm đến từ các quốc gia khác.

Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến nay, đã có 195 công ty nước ngoài thực hiện franchise vào Việt Nam, trong đó có tới 40% là các thương hiệu chuyên về thực phẩm và đồ uống (F&B). Nếu chỉ tính riêng năm 2017, có tới 31 công ty nước ngoài đăng ký franchise ở Việt Nam. Các công ty này chủ yếu đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Đài Loan, Hồng Công, Nhật Bản, hoạt động trong lĩnh vực F&B, giáo dục, hàng tiêu dùng, với các tên tuổi như Costa International Limited (Anh) kinh doanh chuỗi cà phê Costa; ITX MERKEN, B.V (Hà Lan) với chuỗi cửa hàng bán lẻ quần áo, giày dép và phụ kiện gắn với nhãn hiệu Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti…

Theo các chuyên gia, sở dĩ các thương hiệu nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam vì tỷ lệ dân số trẻ cao, thích nhu cầu trải nghiệm và mua sắm mới, sức mua tốt. Mặt khác, với tốc độ tăng trưởng GDP đứng vào hàng cao nhất thế giới trong nhiều năm liền, Việt Nam thực sự là thị trường hấp dẫn của các nhà kinh doanh ở nhiều lĩnh vực.

Thương hiệu trong nước còn dè dặt

Theo giới chuyên môn, nếu như các thương hiệu nước ngoài đang ồ ạt mở các điểm kinh doanh theo hình thức franchise thì DN trong nước lại tỏ ra dè dặt, thận trọng. Một trong những DN được đánh giá là hoàn toàn có khả năng thực hiện franchise các thương hiệu của mình tại thời điểm này là Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate). Gần 15 năm thành lập, đến nay Golden Gate đã thành công trong việc xây dựng và phát triển chuỗi 200 nhà hàng, với 20 thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực ẩm thực như lẩu nấm Ashima, lẩu băng chuyền Kichi-Kichi, iCook, iSushi, Durama, Sumo BBQ, Gogi House, Ba Con Cừu, Cowboy Jack’s, Phố Ngon 37, Vuvuzela, City Beer Station, Crystal Jade, Osaka Osho, Hutong… Hiện Golden Gate đang tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng, với 2 mục tiêu: ngắn hạn là tạo ra sản phẩm khác biệt và dài hạn là xây dựng hệ thống bền vững. Golden Gate cho rằng, chưa tính đến việc sẽ nhượng quyền các thương hiệu để đẩy nhanh quy mô, vì thực tế, việc áp dụng mô hình franchise tại Việt Nam tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Song song với việc đi mua nhượng quyền một số thương hiệu nước ngoài như Thai Express, Seoul Garden, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại quốc tế Mặt Trời Đỏ (Redsun ITI) vẫn tiếp tục phát triển các thương hiệu của riêng mình. Đại diện của Redsun cho rằng, việc xây dựng và phát triển bền vững các thương hiệu là ưu tiên hàng đầu, còn franchise là chiến lược dài hạn.

Với nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM - Saigon Co.op, sau nhiều năm thành công với mô hình cửa hàng tiện lợi Co.op Food, gần đây Saigon Co.op mới mạnh dạn thực hiện franchise, với cửa hàng đầu tiên khai trương vào ngày 1-9-2016. Tính đến nay, trong tổng số khoảng 200 cửa hàng Co.op Food hiện hữu, đã có hơn 20 cửa hàng hoạt động dưới dạng franchise. Lý giải vì sao sau gần 2 năm thực hiện việc nhượng quyền nhưng mới chỉ dừng ở con số 20, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết dù franchise sẽ là xu hướng tất yếu nhưng Saigon Co.op vẫn đang trong giai đoạn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Theo ông Nhân, nhượng quyền cũng giống như “con dao 2 lưỡi”, nếu không chọn đối tác một cách thận trọng, không giám sát được nguồn hàng cũng như cung cách phục vụ, vô hình trung cửa hàng đó sẽ làm ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Tuy nhiên, để tăng độ bao phủ, dù muốn hay không thì Saigon Co.op cũng phải tăng tốc franchise trong thời gian tới.

Ngành bán lẻ và nhượng quyền thương mại tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của cuộc đua với nhiều hứa hẹn ở phía trước. Tuy nhiên “thương trường là chiến trường”, để thành công trong lĩnh vực này là điều không dễ bởi đây là một sân chơi đòi hỏi sự chuyên biệt, cần nhiều kinh nghiệm. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, đối với các thương hiệu quốc tế trong lĩnh vực F&B, để đảm bảo thành công thì cần phải có yếu tố địa phương hóa cho phù hợp với Việt Nam. Đặc biệt, các thương hiệu franchise không chỉ đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng, mà công nghệ cũng là một vấn đề cạnh tranh quan trọng không thể bỏ qua đối với bất kỳ nhà nhượng quyền và nhà bán lẻ nào, nhằm đáp ứng tốt nhất sự thay đổi nhanh chóng của thị trường tiêu dùng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thúy Hải

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.