|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thời của đầu tư chỉ cần ba chữ cái, nhà đầu tư chẳng còn sợ 'bỏng tay' vì cổ phiếu nóng?

06:55 | 22/11/2021
Chia sẻ
Với biên độ giao dịch 10 - 15%/phiên, nhà đầu tư lãi bằng lần chỉ sau vài tuần nắm giữ, các sân chơi tập trung nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ đang diễn ra một cuộc đua giá trần đầy cảm xúc. Dường như với sức hút của cổ phiếu nóng, những nhà đầu tư tham vọng đã chẳng còn sợ 'bỏng tay'.

Theo thống kê tại hai sàn HOSE và HNX trong tháng 10, chỉ có 5 mã vốn hóa lớn có mức tăng trên 20%, nhóm vốn hóa vừa là 21 mã và vốn hóa nhỏ là 56 mã. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều cổ phiếu nổi lên với đà tăng nóng hàng chục phiên liên tiếp và dễ dàng giúp nhà đầu tư nhân đôi, thậm chí nhân ba tài khoản trong thời gian ngắn.

Ngay cả khi thị trường chung điều chỉnh hàng chục điểm, cổ phiếu trên các sàn vẫn phủ sắc tím. Như phiên thứ Sáu vừa qua (19/11), sàn HOSE có 15 cổ phiếu tăng trần, tại sàn HNX là 13 mã và nhìn sang UPCoM có tới 99 mã, nhiều phiên trước đó thị trường này ghi nhận cả trăm mã tăng hết biên độ.

Với biên độ giao dịch 10 - 15%/phiên, nhà đầu tư lãi bằng lần chỉ sau vài tuần nắm giữ, các sân chơi tập trung nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ đang diễn ra một cuộc đua giá trần đầy cảm xúc. Vậy nguồn cơn của cuộc đua này đến từ đâu?

Thời của đầu tư chỉ cần ba chữ cái, nhà đầu tư chẳng còn sợ 'bỏng tay' vì cổ phiếu nóng? - Ảnh 1.

Thanh khoản giao dịch của các nhóm cổ phiếu dựa trên thanh khoản từ đầu năm 2021 đến nay. (Nguồn: Fiinpro).

Thống kê giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán thời điểm đầu năm, giá trị giao dịch của rổ chỉ số VN30 chiếm khoảng 55% toàn thị trường và tỷ lệ này tăng mạnh lên 70% vào giữa tháng 7, chủ yếu là giao dịch của nhóm ngân hàng.

Tuy nhiên cú chỉnh từ 1.420 điểm về 1.230 điểm diễn ra khiến triển vọng tăng giá của nhóm cổ phiếu nhà băng suy giảm trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế. Quan sát từ dữ liệu của Fiinpro, dòng tiền từ nhóm vốn hóa lớn theo đó đã có một cuộc "di cư" mạnh mẽ sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

Tính đến ngày 19/11, giao dịch tại nhóm vốn hóa lớn đã giảm chỉ còn 32,97%, trong khi đó nhóm vốn hóa vừa đã vươn lên dẫn đầu với tỷ trọng 36,06%. Tương tự, nhóm vốn hóa nhỏ cũng tăng từ khoảng 15% hồi đầu năm lên 19,32%.

Dòng tiền khát lợi nhuận không chỉ khiến thanh khoản tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ tăng vọt mà còn giúp các chỉ số nhóm này liên tục bứt phá. VNMidcap và VNSmallcap phá đỉnh lịch sử và liên tục thiết lập các kỷ lục mới.

Thời của đầu tư chỉ cần ba chữ cái, nhà đầu tư chẳng còn sợ 'bỏng tay' vì cổ phiếu nóng? - Ảnh 2.

Dòng tiền khát lợi nhuận không chỉ khiến thanh khoản tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ tăng vọt mà còn giúp các chỉ số nhóm này liên tục lập đỉnh cao mới. (Nguồn: TradingView).

Không còn mua đỏ, bán xanh, nhà đầu tư F0 giờ thích đu trần để bán trần cao hơn

Sóng cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trở thành nhân tố "giữ chân" nhà đầu tư trong bối cảnh nhóm cổ phiếu trụ liên tục lao dốc và trở thành yếu tố đè nặng lên tâm lý của thị trường chung. Càng lãi nhà đầu tư càng hưng phấn giải ngân và dòng tiền đầu cơ cuồn cuộn chảy giúp cho mặt bằng cổ phiếu vừa và nhỏ tăng liên tục lên các nấc cao mới.

Theo chia sẻ của một số môi giới công ty chứng khoán, nhiều nhà đầu tư bây giờ chỉ cần quan tâm đến ba chữ cái, chứ không cần biết doanh nghiệp đang đầu tư vào đâu, làm ăn như thế nào và câu hỏi của không ít nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường hiện nay là có mã nào đang tăng trần nhiều không để mua.

Thời của đầu tư chỉ cần ba chữ cái, nhà đầu tư chẳng còn sợ 'bỏng tay' vì cổ phiếu nóng? - Ảnh 3.

Cổ phiếu "tím lịm" bất chấp các nhịp điều chỉnh của thị trường. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Thực tế cho thấy lòng tham đã chiến thắng nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư chứng khoán, thay vì đầu tư theo kinh nghiệm "mua đỏ bán xanh" được đúc rút nhiều năm để chiến thắng thị trường giờ tinh thần của nhiều người là mua trần, bán trần cao hơn và đa phần họ không quan tâm rằng cuộc đua giá trần này đã vào giai đoạn nước rút hay chưa.

Một trong những cổ phiếu tăng nóng nhất thời gian qua là các đại diện đến từ nhóm bất động sản xây dựng như DIG, CEO, C4G hay G36. Gần một tháng qua các mã này tăng 70 - 100%. Nhưng điểm chung của các cổ phiếu này là kết quả kinh doanh suy giảm, thậm chí doanh nghiệp báo lỗ.

Đơn cử như Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) ghi nhận doanh thu và lãi ròng trong quý III lần lượt đạt 538,5 tỷ đồng và 42,3 tỷ đồng; giảm 67,5% và 69,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của DIC Corp đạt 966,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 91,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 48,2% và 47% so với cùng kỳ. Với kết quả trên, công ty mới thực hiện được 35% kế hoạch doanh thu và vỏn vẹn 6% mục tiêu lợi nhuận.

Với Tập đoàn CEO, đơn vị này cho biết doanh thu quý III giảm gần một nửa, còn 124 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, công ty lỗ sau thuế 59 tỷ đồng, trong khi quý III năm trước có lãi 7 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu CEO đạt 406 tỷ đồng, giảm 40,5%. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp báo lỗ 224 tỷ đồng, gấp đôi số lỗ cùng kỳ năm ngoái.

Việc đầu tư vào những cổ phiếu không có nền tảng tài chính đang trở thành một trong những vấn đề nổi cộm trên thị trường hiện nay. Dòng tiền mang tính chất đầu cơ đẩy giá cổ phiếu tăng phi mã, nhưng đồng thời sẽ phải đối mặt với áp lực trung và dài hạn khi mà kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không đi kèm với diễn biến tăng giá.

Tuy nhiên trên thực tế, dường như với sức hút của cổ phiếu nóng, những nhà đầu tư tham vọng đã chẳng còn sợ "bỏng tay"…

Thu Thảo