Thoái hơn 52% vốn Nhà nước, niêm yết trên HOSE, VEAM đủ sức kham nổi trong 6 tháng cuối năm?
Đặt kế hoạch lãi "khủng" trở lại, cổ tức chắc chắn trên 28%
Sáng ngày 29/6, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018.
Đại hội đồng cổ đông VEAM ngày 29/6 (Ảnh: BM) |
Ngay trước thềm đại hội, VEAM công bố nội dung về việc bầu bổ sung HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2022, đơn đề cử đến từ cổ đông Nhà nước – Bộ Công Thương (hiện đang nắm gần 88,5% vốn điều lệ). Cá nhân được đề cử là ông Lê Hữu Phúc. Ông Phúc công tác tại Bộ Công Thương từ năm 1998, hiện là Phó vụ trưởng, Hàm vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu.
Ông Phúc cũng chính là người được Bộ Công Thương ủy quyền đại diện 199,3 triệu cổ phần, được ĐHĐCĐ chấp thuận, ông trở thành thành viên thứ 6 của HĐQT VEAM. HĐQT vẫn đang khuyết một vị trí so với điều lệ sửa đổi.
Trong năm nay, VEAM đặt kế hoạch doanh thu bán hàng 3.539 tỷ đồng (tăng trưởng 40%), trong đó mảng sản xuất công nghiệp tăng 44%, thương mại dịch vụ tăng trưởng 24%.
Đáng chú ý, doanh thu tài chính dự kiến 5.137 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần; kế hoạch lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.908 tỷ, gấp 9,4 lần năm trước đó.
Kế hoạch kinh doanh năm 2018 của VEAM |
Với kế hoạch lợi nhuận “khủng” trở lại, VEAM dự kiến chi trả cổ tức ở mức 28%, gấp 8,6 lần cổ tức trong năm 2017. Chủ tịch VEAM cũng khẳng định, với kết quả kinh doanh 6 tháng, cổ tức năm tới hoàn toàn có thể đạt trên 28%. Số liệu cổ tức chính thức sẽ có sau tháng 7 năm nay khi các liên doanh chia cổ tức về.
Năm ngoái cũng là năm VEAM thụt lùi sâu trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh, còn nhớ ngay trước đó một năm (2016), VEAM còn báo lãi gần 8.000 tỷ đồng.
Giải thích tại đại hội, Chủ tịch HĐQT ông Bùi Quang Chuyện cho biết kết quả kinh doanh 2017 thực tế đã hoàn thành kế hoạch đề ra, giai đoạn chuyển giao khi VEAM Motor chuyển đổi áp dụng tiêu chuẩn khí thải từ Euro 2 sang Euro 4, việc đặt kế hoạch chưa sát thực tế.
Dòng tiền cổ tức từ liên doanh với Toyota, Honda và Ford ổn định đến 2020
Trong các năm tới, dòng tiền từ bộ ba liên doanh Toyota, Ford và Honda thu về cơ bản là ổn định. Sau đó, HĐQT cho biết sẽ còn phải dựa vào các chính sách của Nhà nước xem có ảnh hưởng nhiều đến thị trường ô tô xe máy không, ví dụ như luật cấm đi xe máy trong các thành phố lớn nếu được ban hành, VEAM cùng các đối tác có thể xem xét phương án xuất khẩu xe sang các thị trường nước ngoài.
Hiện tại, các liên doanh của VEAM bao gồm Toyota, Ford và Honda thường chi trả cổ tức ở tỷ lệ 100% vào giai đoạn từ tháng 5 – tháng 7. Trong đó, Toyota và Ford chi trả một lần trong năm, riêng Honda chia ra làm 4 lần do nhu cầu dành tiền đầu tư tương đối lớn.
Phần lớn các liên doanh đều kết thúc niên độ tài chính vào ngày 31/3. Do vậy, hiện có công ty chưa phát hành báo cáo tài chính cũng như chưa công bố kế hoạch tài chính chính thức cho niên độ tài chính mới. Nhưng theo mức sơ bộ mà VEAM nắm được, Honda (VEAM giữ 30% vốn) đặt mục tiêu lợi nhuận 17.000 tỷ đồng Toyota (VEAM giữ 20% vốn) đặt mục tiêu lãi 1.200 tỷ đồng.
Được biết, liên doanh của VEAM với các đối tác này kéo dài 50 năm, hiện đã thực hiện được trên 25 năm.
Bận rộn với thoái vốn Nhà nước và niêm yết trên HOSE trong 6 tháng cuối năm
Năm nay xem ra sẽ là một năm khá bận rộn đối với HĐQT VEAM, Công ty trình lên đại hội đồng cổ đông kế hoạch niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) ngay trong năm 2018.
Hiện VEAM đã hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị chào sàn UPCoM vào ngày 2/7 với giá tham chiếu 27.600 đồng/cp. Điều này có nghĩa, thị trường UPCoM sẽ chỉ là chỗ dừng chân “tạm” cho kế hoạch niêm yết của Công ty.
Chưa hết, báo cáo tại Đại hội, ông Chuyện cho biết theo Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ thoái 52,47% vốn tại VEAM, hạ tỷ lệ nắm giữ xuống 36% ngay trong năm nay.
Phương án thoái vốn Nhà nước sẽ được thực hiện theo quy định đối với công ty đại chúng, có thể khớp lệnh, có thể đấu giá, bán theo lô hoặc bán thỏa thuận…
Quy trình thoái vốn Nhà nước đã được Bộ Công Thương phê duyệt, sắp tới sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp định giá thoái vốn Nhà nước. Theo quy định, việc bán tiếp phần vốn nhà nước sẽ không có cổ đông chiến lược.
Gần một năm rưỡi sau khi hoàn thành cổ phần hóa, HĐQT VEAM vẫn đang trong quá trình hoàn thiện bộ quy tắc quản trị nội bộ, chuẩn hóa tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty, sửa đổi điều lệ... Tại đại hội, nhiều cổ đông bày tỏ ý kiến mong muốn HĐQT đẩy nhanh tốc độ thực thi để VEAM có thể sớm đi vào hiệu quả.
Như vậy, với hai nhiệm vụ quan trọng là thoái vốn Nhà nước và niêm yết trên HOSE, HĐQT VEAM sẽ không có thời gian để lơ là trong 6 tháng cuối năm.