Thịt lợn dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Tết 2020
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi với phóng viên, báo chí bên lề Hội nghị Phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học và góp ý cho các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi sáng ngày 13/9, tại Hà Nội.
Thị trường thịt lợn Trung Quốc hiện giá đang tăng lên rất cao, liệu có ảnh hưởng gì đến giá lợn của thị trường Việt Nam không, thưa ông?
Theo thông tin, giá lợn tại thị trường Trung Quốc đang tăng rất cao, có nơi lên đến gần 100.000 đồng/kg thịt lợn hơi.
Tuy nhiên, vừa rồi Trung Quốc siết chặt nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, nên nhập khẩu thực phẩm vào phải truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc buôn bán tiểu ngạch hạn chế, do đó, ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam là không lớn.
Tại thị trường trong nước, cũng có những dự báo giá lợn sẽ lên cao, thập chí rất cao. Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng qua, giá lợn hơi vẫn xoay quanh mức 48.000 – 50.000 đồng/kg, điều này cho thấy sức cung vẫn còn.
Dự kiến, thịt lợn sẽ thiếu khoảng bao nhiêu trong dịp Tết 2020 thưa ông?
Nếu nói thiếu bao nhiêu thì vẫn chưa có căn cứ để tính được, nhưng từ thực tiễn, mặc dù dự báo giá thịt lợn sẽ tăng cao, nhưng giá lợn hơi vẫn quanh quẩn ở mức 48.000 – 50.000 đồng/kg, trong khi sức tiêu thụ tăng.
Điều này cho thấy, số lợn còn lại khoảng 93% (do tổng đàn lợn của nước ta đến nay giảm khoảng 7% do tác động của dịch tả lợn châu Phi), cùng với đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, thủy sản, chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi lợn an toàn sinh học thì chưa đáng lo ngại về nguồn cung.
Để đảm bảo được sản lượng thịt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, cũng như giảm áp lực từ việc tăng giá thịt lợn lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cuối năm, Bộ đã có những giải pháp gì thưa ông?
Ngay từ khi có dịch, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Về phát triển chăn nuôi đại gia súc, sau 8 tháng đã có tốc tăng trưởng khoảng 3% về sản lượng.
Chăn nuôi gia cầm được đẩy mạnh với tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ tăng từ 11 - 13%, với 409 triệu con gia cầm, 11,6 tỷ quả trứng sẽ phần nào bù đắp được thiếu hụt nguồn cung từ thịt lợn.
Về đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, 8 tháng vừa qua, sản lượng đã tăng trưởng 5,7%, và dự kiến trong cả năm 2019 này, sản lượng thủy sản sẽ tăng 8%, đảm bảo cả chỉ tiêu xuất khẩu và tăng trưởng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến
Việc tái đàn lợn tại các địa phương, phía Bộ có lưu ý gì, thưa ông?
Chăn nuôi lợn vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu thịt và bữa ăn của người Việt, nếu không có giải pháp kịp thời nguy cơ thiếu thịt là rất lớn, nhất là trong dịp cuối năm 2019 và năm 2020.
Nhưng có tín hiệu đáng mừng là trải qua 8 tháng dịch tả lợn châu Phi xảy ra, từ thực tiễn đã xuất hiện rất nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch tả lợn Châu Phi, như mô hình chăn nuôi lợn của Tập đoàn Quế Lâm, Amavet, Phân viện Chăn nuôi phía Nam…
Trong quá trình tái đàn, Bộ đã có hướng dẫn vận chuyển giống. Bộ cũng đã có những hỗ trợ cho các đơn vị nuôi giữ giống cụ kỵ, ông bà để đảm bảo an toàn sinh học.
Do đó, các cơ sở nuôi giống cụ kỵ, ông bà thời gian vừa qua cơ bản giữ được. Việc này đảm bảo nguồn giống chất lượng, an toàn sinh học có đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Với việc phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học được nhân rộng tại các tỉnh thành trong cả nước, cùng với việc phát triển chăn nuôi đại gia súc, thủy sản, gia cầm, dự báo lượng thực phẩm được cung cấp trong dịp Tết sắp tới sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu của xã hội và CPI sẽ ở mức chúng ta chấp nhận được.
Trong thời gian vừa qua, những giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học đã góp phần kiểm soát dịch tả lợn châu Phi. Vậy trong thời gian tới, Bộ có những giải pháp, nhất là việc tái đàn của các địa phương nào thưa ông?
Sau 7 tháng chống dịch, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành … với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “chống dịch từ cơ sở” và “chống dịch từ người dân”, đến nay, tỷ lệ tiêu hủy lợn giảm rõ rệt.
Tổng kết tiêu hủy lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi tháng 8 so với tháng 7 giảm 20%, so với tháng 5 tháng 6 giảm 35 - 40% là số liệu rất khả quan về việc đẩy mạnh chăn nuôi lợn an toàn sinh học thích ứng với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bên cạnh đó, với 1 chùm cơ chế chính sách và một loạt các hướng dẫn về vận chuyển, giết mổ… sát thực tiễn nên hiệu quả chống dịch rất rõ nét.
Tuy nhiên, đây là dịch bệnh nguy hiểm, chưa có vắc xin phòng bệnh, đường lây truyền rất phức tạp nên chúng ta không thể chủ quan. Vẫn phải duy trì, tăng cường phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Xin cám ơn ông!
Số liệu của Cục Chăn nuôi, nếu như năm 2016 cả nước có 2.147 trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, chiếm tỷ lệ 18,3%, tổng đầu con trên 2,1 triệu con, chiếm tỷ lệ 6,6% sang năm 2017 số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học của cả nước tăng lên gần 2.500 trang trại (tăng 15,6%) và chiếm tỷ lệ 24,4% với tổng đàn còn là xấp xỉ 2,8 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,3%.
Năm 2018, số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tăng lên trên 2.500 trang trại, tăng 0,8% so với năm 2017, chiếm tỷ lệ 25,6% số trang trại chăn nuôi lợn của cả nước với tổng đầu con trên 2,82 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,9%.Thực tế cũng chỉ ra rằng, đối với những cơ sở trang trại chăn nuôi làm tốt công tác an toàn sinh học đến nay cơ bản giữ được an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.