Thiếu vắng kích thích tài khóa cản bước kinh tế Mỹ
GDP quý IV/2021 của Mỹ hiệu chỉnh theo lạm phát tăng 5,5% trong so với cùng kỳ năm trước, tốc độ cao nhất kể từ 1984. Kinh tế Mỹ đạt được thành tích đáng nể nhờ một phần không nhỏ vào 3.600 tỷ USD chi tiêu chính phủ để đối phó với COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu, bao gồm tiền phát trực tiếp cho dân, trợ cấp thất nghiệp bổ sung và hỗ trợ tới chính quyền địa phương.
Nhưng người Mỹ đã tiêu bớt số tiền trên và nhiều chương trình trợ giúp cũng hết hạn. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua gói cứu trợ quy mô lớn nào bất chấp lời kêu gọi từ một số nhóm ngành. Dự luật chi tiêu xã hội nghìn tỷ USD của ông Biden cũng mắc kẹt tại Quốc hội.
Ông David Mericle, nhà kinh tế trưởng tại Goldman Sachs cho biết đến quý IV/2021, loạt gói cứu trợ COVID-19 ban hành từ 2020 đã kéo tăng trưởng GDP của Mỹ lên gần 6 điểm %. Ông ước tính đến cuối năm 2020, sự thúc đẩy này sẽ chỉ vào khoảng 2 điểm %, đồng nghĩa với hao hụt 4 điểm % lên tăng trưởng kinh tế so với trường hợp chính phủ giữ nguyên quy mô hỗ trợ như 2021.
"Đây là thụt lùi khá lớn về mức độ hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế", ông Mericle nhận xét. "Kịch bản cơ sở của chúng tôi là các yếu tố khác có thể bù đắp hao hụt này vào kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng đây là con số không nhỏ".
Goldman Sachs kỳ vọng GDP Mỹ tăng trưởng 2,2% trong quý IV/2022 so với năm trước. Dự đoán trung bình của các nhà kinh tế do tờ Wall Street Journal khảo sát vào tháng 1 là 3,3%.
Ông Joseph LaVorgna, nhà kinh tế trưởng về châu Mỹ tại Natixis đưa ra dự báo còn thấp hơn – khoảng 1,5% - chủ yếu do hỗ trợ tài khóa suy giảm. "Có thể nói rằng cú sốc tài khóa năm nay sẽ ở cấp độ lịch sử", ông nhận xét.
Ông Robert Dent, nhà kinh tế Mỹ cấp cao tại Nomura Securities tính toán hỗ trợ tài khóa suy giảm sẽ lấy mất 2,5 đến 3 điểm % của tăng trưởng. Nhưng nền kinh tế vẫn còn một tia hy vọng. Theo ước tính của Nomura, hỗ trợ tài khóa trong quá khứ đã giúp người Mỹ tích lũy thêm 2.400 tỷ USD tiền tiết kiệm so với xu hướng trước đại dịch.
Ông Dent nói: "Người tiêu dùng đang nắm giữ rất nhiều khoản tiết kiệm dư thừa mà chúng tôi dự kiến sẽ được chi tiêu bớt trong năm nay. Điều đó sẽ bù đắp phần nào tác động tiêu cực từ lực cản tài khóa".
Tuy nhiên, với giá tiêu dùng gia tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/1982, "rủi ro lớn nhất trong năm nay là người tiêu dùng không chi tiêu số tiền tiết kiệm dư thừa đó nhiều như chúng tôi dự kiến do lo ngại về lạm phát".
Một số nhà kinh tế và nhà lập pháp phàn nàn rằng kích thích tài khóa, đặc biệt là gói kích thích 1.900 tỷ USD mà ông Biden ký ban hành tháng 3 năm ngoái, đã góp phần kéo lạm phát lên 7,5% vào tháng 1/2022. Theo lập luận này, lực cản tài khóa có thể giúp khống chế lạm phát.
Tháng trước, Chủ tịch Jerome Powell của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát biểu trong cuộc họp báo: "Chính sách tài khóa sẽ hỗ trợ tăng trưởng ít hơn so với năm ngoái. Đó là một trong nhiều yếu tố sẽ giúp lạm phát đi xuống". Dự kiến Fed sẽ bắt đầu chuỗi tăng lãi suất từ tháng sau.
Việc tăng trưởng chậm lại là điều đã được lường trước, do hoạt động kinh tế tổng thể đã nhanh chóng quay về xu hướng trước đại dịch và tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4%.
Ông Michael Montani, Giám đốc tại Evercore ISI, ước tính hộ gia đình Mỹ nhận khoảng 1.000 tỷ USD từ các khoản hỗ trợ thời đại dịch năm 2021. Ông ước tính 25-30% trong số đó được chuyển thành doanh thu của các nhà bán lẻ, không kể ô tô, xăng dầu và nhà hàng.
Ông ước tính lực cản tài khóa sẽ kìm kẹp tăng trưởng doanh số bán lẻ danh nghĩa năm nay ở mức 4%, so với 2021. Tuy nhiên, xu hướng trong cả năm sẽ không đồng đều. Trong nửa đầu năm, tăng trưởng sẽ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 chủ yếu do người dân không được phát tiền trực tiếp như năm ngoái. Nhưng sau khi vượt qua "khó khăn từ tác động của việc suy giảm hỗ trợ", tăng trưởng doanh số bán lẻ sẽ đi lên trong nửa cuối năm.
Khả năng hỗ trợ tài khóa được bổ sung trong năm nay cũng chưa bị dập tắt hoàn toàn. Chính quyền Tổng thống Biden và các nghị sĩ Đảng Dân chủ đang tìm cách cứu vãn nhiều phần của gói chi tiêu xã hội bằng cách hàn gắn chia rẽ nội bộ.
Nhà kinh tế Mericle của Goldman Sachs ước tính nếu toàn bộ gói chi tiêu xã hội được thông qua thành luật thì tác động của lực cản tài khóa trong năm nay sẽ giảm khoảng 0,5% điểm %. "Nhưng câu chuyện cơ bản của năm 2022 vẫn là hỗ trợ tài khóa bị cắt giảm đáng kể".