Thiếu 5 đồng/kWh để có thị trường năng lượng tái tạo cạnh tranh?
|
Đó là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong thị trường điện cạnh tranh được tổ chức tại Hà Nội ngày 28/11.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), phát triển năng lượng tái tạo sẽ là điều kiện cần thiết tạo dư địa cho các nguồn năng lượng khác xuất hiện và phát triển.
Theo đó, để phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, theo ông Cung cần phải bảo tất cả các nhà sản xuất, phân phối đều có quyền tiếp cận công bằng đến hệ thống truyền tải điện quốc gia, áp dụng triệt để cơ chế giá điện cạnh tranh theo hướng thị trường…
Theo đó, thị trường điện cạnh tranh tạo sự bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp tham gia thị trường là một trong những trụ cột quan trọng trong thúc đẩy cải cách nền kinh tế của Việt Nam.
Giải pháp cụ thể mà ông Cung đưa ra là tiếp tục tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo kế hoạch, đặc biệt quan tâm đến tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, bao gồm cả chủ sở hữu.
Cùng chung quan điểm với ông Cung, bà Vũ Chi Mai chuyên gia đến từ Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cũng cho rằng EVN với vai trò của mình phải cùng với Nhà nước minh bạch hóa thị trường điện, đáp ứng đầu tư phục vụ nhu cầu sử dụng điện và tăng trưởng kinh tế.
Bởi theo bà, hiện nay giá điện của Việt Nam với 6,8 cent/kWh thực chất đang thấp hơn một số nước như Philippines 20 cent/kWh. Giá điện đó không phản ánh đúng giá thành sản xuất. Với cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước như vậy sẽ cản trở các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào ngành điện Việt Nam nói chung, điện tái tạo nói riêng.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), khi hỗ trợ Bộ Công Thương rà soát lại giá cố định năm 2014, chúng tôi có đánh giá lại và thấy nếu Việt Nam phát triển được 1.000 MW điện gió thì lúc đó suất đầu tư giảm đi và lúc đó giá điện gió không đắt nữa.
"Mỗi hộ gia đình trả thêm 5 đồng/kWh vào giá hiện tại, Việt Nam có thể có thị trường năng lượng tái tạo cạnh tranh", bà Mai đưa ra khuyến nghị từ nghiên cứu của GIZ và CIEM.
Nghiên cứu của CIEM chỉ rõ hiện tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện ở nước ta tương đối cao (từ 37-40% tổng nguồn điện). Tuy nhiên, chủ yếu là nhờ thủy điện còn các nguồn năng lượng khác không đáng kể. Nhưng trong tương lai, các thủy điện nhỏ không thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam.
Việt Nam đã xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. Sản xuất điện năng lượng tái tạo thuộc nhóm ưu đãi đầu tư về giá, đất đai, thuế, vay vốn. Tuy nhiên, ông Phạm Đức Chung, đại diện nhóm nghiên cứu CIEM cho rằng, Việt Nam đang thiếu nền tảng của thị trường điện cạnh tranh. Các khâu từ sản xuất, truyền tải, phân phối đều đang chịu chi phối bởi một đơn vị nên việc thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo mới còn gặp nhiều khó khăn.
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng cần tách biệt các cấu phần của giá điện đối với người tiêu dùng cuối cùng. "Thị trường quyết định chi phí sản xuất. Nếu cứ nhập nhèm vấn đề nãy sẽ khó phát triển được", ông Cung nói.