Thị trường vàng đi ngang, lãi suất ngân hàng tăng cao, nhà đầu tư nên giữ vàng hay gửi tiết kiệm?
Giá vàng thế giới giảm tháng thứ 7 liên tiếp, SJC giảm sức hấp dẫn
Thị trường vàng quốc tế đã ghi nhận nhiều tháng liên tục sụt giảm của kim loại quý. Giá vàng thế giới kết thúc tháng 10 với mức giảm 7 tháng liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất trong hơn 5 thập kỷ.
Ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 1/11, giá vàng giao ngay ở mức 1.648,5 USD/ounce vào lúc 14h (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 12 hơn 1.651 USD.
Theo Reuters, giá vàng đã giảm trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai (31/10) và ghi nhận chuỗi giảm dài nhất theo tháng vì đồng USD mạnh, lợi suất trái phiếu tăng và triển vọng về những đợt tăng lãi suất khác từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Vàng đã giảm khoảng 1,1% trong tháng trước, tháng giảm thứ 7 liên tiếp.
Ông David Meger, Giám đốc phòng giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho biết sự kết hợp của áp lực từ việc tăng lãi suất dự kiến, sức mạnh tương đối của đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cao hơn một lần nữa ảnh hưởng tiêu cực lên giá vàng.
Theo dõi diễn biến thị trường vàng cho thấy sau khi vượt đỉnh trên 2.000 USD/ounce vào tháng 3 do nhu cầu tìm kênh trú ẩn an toàn sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá vàng đã quay đầu đi xuống. Xu hướng giảm giá liên tục của vàng diễn ra khi đồng USD mạnh lên và lợi tức trái phiếu kho bạc cao hơn.
Tính từ thời điểm giá vàng thế giới bật lên mốc cao nhất trong lịch sử đến nay, giá kim loại quý này đã giảm hơn khoảng 20%.
Với thị trường vàng trong nước, kể từ khi thiết lập ngưỡng kỷ lục khoảng 74 triệu đồng/lượng (bán ra), giá kim loại quý này nhanh chóng giảm xuống còn quanh mốc 64-67 triệu đồng/lượng và đi ngang trong suốt 7 tháng.
Lãi suất ngân hàng tăng thu hút người giữ vàng
Trong xu hướng giá vàng thế giới đang giảm, khả năng Fed tăng lãi suất, các ngân hàng trong nước đã liên tục đẩy lãi suất huy động lên cao ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất điều hành thêm 1%/năm từ ngày 25/10.
Cụ thể, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) đã áp dụng lãi suất lên 9,3%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 15 - 18 - 24 và 36 tháng hay Ngân hàng Bản Việt cũng tăng lãi suất lên 8,9%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn dài 18 - 24 - 36 - 48 và 60 tháng...
Việc nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm được cho là sẽ thu hút một số người giữ vàng muốn đổi sang tiền mặt gửi ngân hàng với triển vọng tốt hơn.
Chia sẻ với người viết, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho biết: "Khi các ngân hàng tăng lãi suất, thậm chí có ngân hàng tăng lên 10% đã tạo sự hứng khởi cho nhiều người có tiền và muốn đầu tư. Giá vàng trong nước dù có tăng nhưng so với gửi tiết kiệm ngân hàng lãi suất 10% và ít rủi ro, nhiều nhà đầu tư chuyển dịch từ việc nắm giữ vàng sang gửi tiết kiệm ngân hàng để có lãi suất tốt hơn".
Theo ông Hiếu, thời điểm này tiền gửi ngân hàng đang có lợi. Mặt khác, hiện nay giá vàng trong nước vẫn đang cao nên nhà đầu tư có thể cân nhắc phân bổ khoảng 50% vốn gửi ngân hàng, còn lại chia cho các tài sản khác theo khẩu vị của mỗi người.
Nhận định về xu hướng giá vàng thời gian tới, theo chuyên gia, vàng vẫn là tài sản, hầm trú ẩn tài chính an toàn khi kinh tế đi vào khủng hoảng, còn khi thế giới xảy ra biến cố lớn, lập tức giá vàng sẽ được đẩy lên. Các yếu tố có khả năng đẩy giá vàng lên cao như việc tăng mạnh lãi suất của Fed có thể đưa nên kinh tế Mỹ vào suy thoái, xung đột Nga - Ukraine ngày càng khốc liệt.
Theo Reuters, Goldman Sachs cho biết Fed có khả năng tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong tuần này, 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 và 0,25 điểm phần trăm trong tháng 2 và tháng 3 năm sau. Lạm phát cao là nhân tố chính khiến Fed phải hành động mạnh mẽ.
"Khả năng trong tuần này Fed sẽ điều chỉnh tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát nhưng vàng trong nước lại không liên thông với vàng thế giới nên vẫn sẽ ở quanh mốc 65 - 67 triệu đồng/lượng", ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay.