|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng sau một tháng sôi động

20:28 | 03/05/2023
Chia sẻ
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có dấu hiệu khởi sắc trong tháng 3 sau khi Nghị định 08 có hiệu lực. Tuy nhiên, bước sang tháng 4, thị trường lại chứng kiến sự trầm lắng khi không có đợt phát hành riêng lẻ mới nào được thực hiện.

(Nguồn: VNDirect).

Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 4 trầm lắng trở lại, trong khi hoạt động đàm phán giữa tổ chức phát hành và trái chủ diễn ra tích cực hơn, đã có nhiều tổ chức phát hành đạt được đồng thuận với trái chủ về gia hạn thời hạn trái phiếu.

Theo thống kê của VNDirect, tính từ đầu tháng 4 đến ngày 24/4 không có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới nào được thực hiện.

Trong khi đó, hoạt động mua lại trước hạn cũng có sự chững lại với hơn 4.833 tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 39.388 tỷ đồng.

Nhóm phân tích cho biết, hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ diễn ra tích cực trong tháng 4, đã có nhiều tổ chức phát hành đạt được kết quả đàm phán gia hạn thời hạn trái phiếu với các trái chủ. Hiện đã có trên 20 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX.

(Nguồn: VNDirect).

Áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn tiếp tục gia tăng trong tháng 5, trong khi danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của HNX tiếp tục tăng lên.

Theo ước tính của VNDirect, trong tháng 5/2023 sẽ có khoảng 17.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, tăng 12,6% so với tháng 4/2023 (số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 24/4/2023).

Tính đến ngày 24/4, có khoảng 57 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX. Ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 152.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,9% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường.

Trong đó, khoảng hơn 45.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp nằm trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Ngày 23/4 vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2023 quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Thống đốc NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp kể từ ngày 24/4 đến ngày 31/12/2023.

Điều kiện hoãn như sau: Doanh nghiệp được tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phải thanh toán toàn bộ số tiền tại thời điểm mà tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bán trái phiếu trước đó; Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín dụng ở mức cao nhất theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi bắt đầu mua lại trái phiếu.

Nhóm phân tích VNDirect đánh giá, đây là một cách để các ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu (~2% tính đến cuối quý I/2023) và thanh khoản tại ngân hàng đang dư thừa.

Bên cạnh đó, động thái này một phần giúp tăng lực cầu trên thị trường trái phiếu, có lợi cho các ngân hàng hoạt động mạnh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên còn tùy vào khẩu vị rủi ro nhất là trong bối cảnh hiện tại các ngân hàng này cũng ưu tiên việc quản trị rủi ro/cân bằng chất lượng tài sản hơn mục tiêu tăng trưởng. Điều kiện kèm theo sẽ phần nào làm giảm rủi ro tín dụng/rủi ro chất lượng tài sản cho các ngân hàng khi mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Công Tâm