|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp sẽ ra đời trong năm 2021

23:39 | 26/01/2021
Chia sẻ
Việc hình thành thị trường giao dịch thứ cấp được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động hơn.

Chiều 26/1, tại Hội thảo phổ biến các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp do Bộ Tài chính tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, với việc hoàn thiện khung pháp lý thông qua Nghị định mới phát hành, dự kiến trong năm 2021 thị trường thứ cấp giao dịch trái phiếu riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ ra đời.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp sẽ ra đời trong năm 2021 - Ảnh 1.

Ảnh: Hứa Chung/TTXVN

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, để tăng tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cũng như giúp thị trường có thông tin về giao dịch trái phiếu sau khi phát hành, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, có quy định về việc tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Đồng thời, giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Theo đó trong năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp dự kiến sẽ được hình thành. "Hiện Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được phân công nghiên cứu xây dựng mô hình thị trường giao dịch phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam. 

Bộ Tài chính sẽ dựa trên đó để xem xét quyết định và ban hành văn bản hướng dẫn", ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết.

Thị trường trái phiếu thứ cấp là trái phiếu được giao dịch giữa các nhà đầu tư sau khi được phát hành trên thị trường sơ cấp. Trái phiếu có thể được giao dịch trực tiếp giữa các nhà đầu tư, hoặc thông qua một nhà môi giới hoặc đại lí. 

Việc hình thành thị trường giao dịch thứ cấp được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động hơn.

Quy định mới trong Nghị định 153 cũng xác định rõ trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được phát hành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp và không cần được cấp phép. 

Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về các rủi ro. 

Doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp khi có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Trao đổi với báo chí, ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam sẽ có thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp năng động nếu như có sự đa dạng trong nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp.

"Chỉ khi các nhà đầu tư có quan điểm, chiến lược khác nhau thì mới giúp thị trường trở nên năng động hơn. Còn hiện tại trên thị trường Việt Nam chỉ mới có một nhóm nhà đầu tư, chủ yếu là các ngân hàng nên rất khó để có thị trường thứ cấp phát triển như kỳ vọng", vị chuyên gia này cho biết

H.Chung

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.