'Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó có thể bứt phá trong một năm tới'
Thông tin tại Hội thảo về giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp & Lễ ký kết hợp tác giữa FiinRatings và PVIAM, ông Lê Hồng Khang - Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings cho biết, 8 tháng đầu năm nay, giá trị huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam khoảng 140.000 tỷ đồng.
Ông nhận định đây là tốc độ hồi phục khá chậm, khó có thể bứt phá trong 12 tháng tới trong bối cảnh lãi suất biến động, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và khẩu vị của nhà đầu tư thay đổi.
Theo ông Khang, thị trường đang phát triển chiều sâu, tập trung vào chất lượng sau khi trải qua giai đoạn bùng nổ về thanh khoản (2018 – 2021). Do đó, việc phát triển theo hướng này rất quan trọng, để thị trường đi sâu vào việc phát triển bền vững và lâu dài.
Đồng quan điểm, bà Trịnh Quỳnh Giao - Tổng Giám đốc CTCP Quản lý quỹ PVI (PVIAM) cho rằng, trong thời gian tới, thị trường trái phiếu khó có sự tăng tốc. Nhìn lại 6 tháng đầu năm nay, thị trường trái phiếu gặp nhiều khó khăn do môi trường lãi suất cao, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp.
Tuy nhiên, từ tháng 7, 8 có nhiều tổ chức phát hành, công ty lên kế hoạch huy động vốn trở lại. Bà Giao cũng tiết lộ, trong thời gian gần đây, PVI AM đã giải ngân vốn 2 thương vụ trên thị trường với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng và các giao dịch lớn khác. Điều đó cho thấy thị trường đang hồi phục khi nhu cầu từ phía tổ chức phát hành (bên bán) và nhà đầu tư (bên mua) vẫn còn.
Tổng Giám đốc PVIAM cũng đánh giá, quy mô thị trường trái phiếu tại Việt Nam còn khá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 11% GDP. Nếu so sánh với các quốc gia lân cận thì quy mô này chiếm tới 30 – 40% GDP.
"Lãi suất trái phiếu 12 - 15%/năm không phải là cao"
Hiện nay, trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp, có nhiều lô trái phiếu duy trì lãi suất cao, khoảng 12-15%/năm. Trong khi trái phiếu của một số ngân hàng có mức lãi suất chỉ từ 5-7%/năm khiến giới đầu tư đặt lên bàn cân so sánh.
Theo bà Giao mức lãi suất 12% - 15%/năm được nhìn nhận là cao hay thấp sẽ phụ thuộc doanh nghiệp đó hoạt động trong lĩnh vực gì, mức lợi nhuận có đủ chi trả cho lãi suất hay không. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức khoẻ tổ chức phát hành, ngành nghề, thanh khoản, tài sản bảo đảm.
Ví dụ tại một thời điểm, tổ chức đó tốt nhưng họ cần một khoản tiền lớn cho dự án nên lãi suất sẽ phụ thuộc vào sự thương thảo giữa các bên với nhau. Vì thế, lãi suất tại một thời điểm không phản ánh quá nhiều về tổng thể, sức khoẻ của doanh nghiệp khi giao dịch trái phiếu.
Còn với ngân hàng, đây là định chế tài chính đặc biệt và chịu nhiều đánh giá quản trị rủi ro từ Ngân hàng Nhà nước nên khả năng mất vốn ở trái phiếu khá là thấp, dẫn đến mức lãi suất chỉ dao động 5 - 7%/năm. “Đây là yếu tố rất bình thường trên thị trường vì dòng tiền rất thông minh và thị trường rất thông minh", bà Giao nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, kiêm Tổng giám đốc FiinRatings thị trường trái phiếu nên chấp nhận đường cong lãi suất tuỳ theo chất lượng tín dụng của các tổ chức phát hành. Đây là nguyên tắc chung mà thị trường vốn vận hành và không nhất thiết phải dưới mức 9% – 10%/năm. Vì lãi suất trái phiếu dựa trên độ rủi ro nên không thể đánh đồng mức lãi suất cao là không tốt.
Theo nghiên cứu của FiinGroup, bình quân chi phí vốn của một dự án bất động sản dân cư chiếm 5-6% tổng chi phí đầu tư, biên EBITDA trung bình khoảng 30 – 40%, có doanh nghiệp lên tới 50-60% nên với đối với một số ngành, dự án hay doanh nghiệp không nhất thiết phải có lãi suất thấp vì họ vẫn chấp nhận để đầu tư.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 31/8, có 22 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trong tháng 8 với tổng giá trị 25.055 tỷ đồng nhưng không có đợt phát hành ra công chúng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 9,4%/năm, kỳ hạn trung bình là 5,7 năm.
Lũy kế từ đầu năm đến 31/8, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 132.358 tỷ đồng, gồm 17 đợt phát hành công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 12,4% tổng giá trị phát hành) và 101 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 115.882 tỷ đồng (chiếm 87,6%).
Trong đó, ngành ngân hàng chiếm 40,7% giá trị với 53.931 tỷ đồng, theo sau là nhóm bất động sản với 46.765 tỷ đồng (chiếm 35,3%). Trong tháng 8, các doanh nghiệp đã mua lại 17.489 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 4 tháng cuối năm 2023, VBMA ước tính sẽ có khoảng 103.022 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.