[Thị trường thế giới ngày 15/8] USD, chứng khoán Mỹ tăng, giá vàng, dầu quay đầu giảm
Bảng cập nhật tình hình thị trường thế giới (giá dầu, vàng, USD và chứng khoán Mỹ). Tổng hợp: Tố Tố. |
Trên thị trường vàng, giá giảm 0,5% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (14/8) từ đỉnh 2 tháng lập được trong tuần trước, vì đồng USD phục hồi trên thị trường tiền tệ và căng thẳng giữa Mỹ - Triều Tiên hạ nhiệt.
Mặc dù, lễ kỷ niệm ngày Quốc Khánh của Triều Triên, được diễn ra vào thứ Ba, có thể làm gia tăng căng thẳng một lần nữa, nhưng thị trường đã tích cực hơn khi cuối tuần vừa rồi không có thêm bất kỳ một cuộc khẩu chiến nào khác.
Hôm thứ Bảy (12/8), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Triều Tiên nhằm kêu gọi một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân. Bên cạnh đó, ông kêu gọi dừng mọi lời lẽ khiêu khích làm gia tăng căng thẳng trong cuộc điện thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chỉ số USD, đo sức mạnh của đồng USD thông qua diễn biến tỷ giá giữa đồng bạc xanh và 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,35% lên 93,34 điểm.
Chỉ số USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2016 hồi đầu tháng này. Tuần trước, chỉ số rớt xuống đáy 8 tuần so với đồng yen Nhật. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày hôm qua, nó đã tăng 0,3% lên 109,48 yen.
So với đồng franc Thụy Sĩ, USD ghi nhận ngày tăng lớn nhất kể từ tháng 7/2016.
Trên thị trường dầu, giá dầu thô giao tương lai giảm. Nguyên nhân là vì số liệu kinh tế của Trung Quốc cho thấy nhu cầu về dầu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm trong tháng 7, trong khi lo ngại về vấn đề sản xuất của OPEC tiếp tục ảnh hưởng tới cảm nhận của thị trường.
Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, hoạt động lọc dầu của Trung Quốc đạt 10,71 triệu thùng/ngày trong tháng 7, giảm 500.000 thùng/ngày so với tháng 6 và ghi nhận mức tăng thấp nhất kể từ tháng 9/2016.
Hoạt động lọc dầu của Trung Quốc chạm đáy gần 12 tháng được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về việc dư thừa sản phẩm lọc hóa có thể làm giảm nhu cầu về dầu, khiến triển vọng giảm dự trữ dầu xuống dưới mức trung bình trong 5 năm yếu đi, làm tăng áp lực lên giá dầu.
Trong khi đó, giới đầu tư tiếp tục theo dõi dữ liệu được công bố trong tuần trước từ OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, sản xuất từ các nước thành viên của tổ chức tăng trong tháng 7 lên 33 triệu thùng/ngày.
Hồi tháng 5, OPEC thống nhất kéo dài thỏa thuận giảm sản xuất thêm 9 tháng, sang đến tháng 3/2018, nhưng vẫn duy trì mức giảm sản lượng là 1,2 triệu thùng/ngày như cam kết đưa ra vào tháng 11 năm ngoái.
Bên cạnh đó, công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes hôm thứ Sáu cho biết, số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ trong tuần tăng 3 giàn lên 768 giàn, gợi ý sản xuất của Mỹ có thể bắt đầu giảm.
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua với các chỉ số tăng điểm, nhờ cổ phiếu ngành công nghệ, tài chính và viễn thông.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch chỉ số S&P 500 tăng 1% lên 2.465,84 điểm; mức tăng lớn nhất trong 1 ngày kể từ ngày 24/4 với 10/11 ngành đóng cửa với cổ phiếu tăng điểm. Dow Jones tăng 0,62% lên 21.993,71 điểm; và chỉ số Nasdaq tăng 1,3% lên 6.340,23 điểm.