|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thị trường smartphone cao cấp: Giá sản phẩm ngày càng đắt, Apple tiếp tục giữ vững ngôi đầu

07:55 | 06/09/2022
Chia sẻ
Phân khúc smartphone cao cấp đã chứng kiến quý thứ 9 liên tiếp đạt mức tăng trưởng vượt trội hơn so với thị trường smartphone nói chung. Điều này có thể càng được củng cố hơn trong giai đoạn cuối năm khi những ông lớn như Apple, Samsung,... ra mắt sản phẩm mới.

Giá bán trung bình (ASP) của thị trường smartphone cao cấp toàn cầu (có giá từ 400 USD trở lên) trong quý II đã tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái để đạt mức 780 USD, một con số kỷ lục, theo công ty nghiên cứu dữ liệu Counterpoint Research.

Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng doanh số 94% so với cùng kỳ năm ngoái ở phân khúc sản phẩm có giá từ 1.000 USD trở lên. Chỉ riêng phân khúc này đã đóng góp vào hơn 1/4 doanh số điện thoại thông minh cao cấp và hơn 1/5 doanh thu điện thoại thông minh toàn cầu trong quý II. Sự tăng trưởng của phân khúc này cũng đưa ASP của smartphone toàn cầu lên mức cao nhất từ ​​trước đến nay.

Nhận xét về sự tăng trưởng của phân khúc sản phẩm có giá 1.000 USD trở lên, nhà phân tích cấp cao Varun Mishra cho biết: “Khi mạng 5G ngày càng trở nên phổ biến, người tiêu dùng đang nâng cấp thiết bị của họ. Điều này đặc biệt quan trọng, vì lượng lớn người dùng iPhone cao cấp nâng cấp lên 5G. Doanh số của Apple đã tăng 114% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm hơn 78% trong phân khúc sản phẩm có giá từ 1.000 USD”.

Thị phần và tăng trưởng giá bán smartphone cao cấp qua từng giai đoạn. (Nguồn: Counterpoint Research).

Theo ông Varun Mishra, những khách hàng có nguồn tài chính không bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã sử dụng khoản thu nhập tiết kiệm được trong thời giãn cách xã hội để “lên đời” các sản phẩm công nghệ, bao gồm cả smartphone. Trong đại dịch, người dùng cũng nhận ra tầm quan trọng của smartphone và bắt đầu thấy giá trị hơn trong việc nâng cấp thiết bị của họ.

Một yếu tố thú vị khác là xu hướng này trên thị trường siêu cao cấp đang phổ biến khắp các khu vực, bất chấp áp lực từ lạm phát. Điều này là do những người tiêu dùng giàu có không bị ảnh hưởng bởi những khó khăn kinh tế hiện nay. Do đó, phân khúc sản phẩm có giá từ thấp đến trung bình đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động vĩ mô gần đây, trong khi phân khúc sản phẩm giá cao vẫn có vẻ vững chắc, tiếp tục thúc đẩy ASP.

Ngoài ra, số lượng ngày càng tăng của các gói tài trợ và một hệ sinh thái thương mại cũng như EMI ngày càng tăng cũng đang giúp người tiêu dùng nâng cấp thiết bị của họ một cách đơn giản hơn.

Apple dẫn đầu thị trường smartphone cao cấp

Sự tăng trưởng của phân khúc cũng đã giúp ngăn chặn sự sụt giảm doanh thu. Mặc dù chứng kiến doanh số giảm, nhưng doanh thu thị trường smarphone cao cấp toàn cầu vẫn không thay so với cùng kỳ năm trước. Do các sản phẩm có mức giá thấp hơn bị ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát, đóng góp doanh thu của thị trường cao cấp vào thị trường điện thoại thông minh nói chung đã tăng từ 58% trong quý II/2021 lên 60% trong quý II/2022.

Doanh số ở phân khúc cao cấp trong quý II giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng hoạt động tốt hơn so với thị trường điện thoại thông minh nói chung, nơi chứng kiến doanh số giảm 12%. Đây là quý thứ 9 liên tiếp trong đó thị trường cao cấp vượt trội so với mức tăng trưởng chung của thị trường điện thoại thông minh.

Apple tiếp tục dẫn đầu phân khúc cao cấp với 57% thị phần khi nền tảng 4G được cài đặt iOS tiếp tục được nâng cấp. Doanh số bán hàng và khuyến mãi ở Mỹ vẫn tăng mạnh trong quý. Không có dấu hiệu nào cho thấy các tác động kinh tế vĩ mô sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu đối với sản phẩm của Apple.

Apple cũng tiếp tục thu hút thành công người dùng mới khi CEO Tim Cook thông báo rằng số lượng người dùng chuyển từ sản phẩm Android sang iOS đạt kỷ lục trong quý II.

Thị phần của các nhà sản xuất smartphone trên thị trường smartphone cao cấp giai đoạn quý II/2021 - quý II/2022. (Nguồn: Counterpoint Research).

Doanh số bán hàng của Samsung đã tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái và thị phần của hãng cũng tăng lên khi sản phẩm S22 Ultra tiếp tục là điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android bán chạy nhất trong phân khúc cao cấp trong quý thứ hai liên tiếp.

Thị phần của các OEM Trung Quốc như OPPO, Xiaomi và Huawei sụt giảm do thị trường Trung Quốc gặp khó trong suốt quý II, đạt mức doanh số hàng quý thấp nhất kể từ quý IV/2012.

Tuy nhiên, doanh số bán hàng của Vivo đã tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái khi vượt qua OPPO để trở thành thương hiệu smartphone cao cấp lớn thứ ba trong kỳ. Phần lớn sự tăng trưởng này đến từ Trung Quốc, nhờ vào dòng X80, S15 và iQOO 9. Vivo cũng lần đầu tiên trở thành thương hiệu điện thoại thông minh cao cấp lớn thứ hai tại Trung Quốc. Nhà sản xuất này cũng là OEM smarphone lớn nhất ở Trung Quốc trong phân khúc cao cấp giá cả phải chăng (400 USD – 699 USD), được thúc đẩy bởi dòng X80.

Sự gia tăng thị phần của các thương hiệu “Khác” chủ yếu do HONOR thúc đẩy. Thương hiệu này đã nhanh chóng mở rộng ở Trung Quốc trong vài quý gần đây. HONOR 70 là mẫu smartphone bán chạy nhất trong phân khúc cao cấp, tiếp theo là Magic 4. Đóng góp của thị trường nước ngoài vào doanh số bán hàng của HONOR cũng có thể sẽ tăng lên khi thương hiệu này đang thâm nhập vào các khu vực mới.

Trong tương lai, phân khúc cao cấp có khả năng tiếp tục vượt xa thị trường điện thoại thông minh nói chung. Bình luận về triển vọng, Giám đốc Nghiên cứu Tarun Pathak cho biết: “Nửa cuối năm nay cũng sẽ được đánh dấu bằng những màn ra mắt quan trọng như dòng Fold mới của Samsung và dòng iPhone mới của Apple, có khả năng thúc đẩy tăng trưởng trong phân khúc cao cấp.

Các OEM Trung Quốc cũng bắt đầu đưa các thiết bị có thể gập lại của họ ra thị trường toàn cầu, mở rộng hơn nữa danh mục thị trường cao cấp. Những vấn đề với thị trường smartphone như áp lực từ lạm phát, sự biến động tỷ giá hối đoái,… đều được phản ánh qua việc ASP ngày càng tăng. Tất cả những yếu tố này sẽ tiếp tục thúc đẩy ASP cao hơn vào năm 2022”.

Doanh Chính

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.