Thị trường 'say sóng' trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khối ngoại xả mạnh
Cụ thể, kết phiên 10/5, VN-Index giảm 21,59 điểm (-2,22%) so với cuối tuần trước, xuống 952,55 điểm; HNX-Index giảm nhẹ xuống 105,86 điểm. Thanh khoản trung bình mỗi phiên trong tuần qua tăng nhẹ so với tuần trước đó với khoảng 4.100 tỉ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Trong đó, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 187,4% lên 18.440 tỉ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 151,8 lên 751 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 210,8% lên 2.130 tỉ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 214% lên 186 triệu cổ phiếu.
Với việc thị trường giảm điểm trong tuần qua thì phần lớn các nhóm ngành đều đều sụt giảm. Nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng giảm mạnh nhất tuần với 3,8% giá trị vốn hóa, chủ yếu do sự tác động của cổ phiếu trụ cột trong ngành là GAS (-4,1%). Tiếp theo là nhóm cổ phiếu tài chính với mức giảm 2,9%, chủ yếu do cổ phiếu trong ngành con bất động sản là VHM (-7,1%)... giảm mạnh.
Nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngân hàng cũng giảm mạnh với 2,7% giá trị vốn hóa, với các mã tiêu biểu VCB (-1,6%), CTG (-2,9%), BID (-6,4%), VPB (- 3,2%), TCB (-3,5%), HDB (-2,9%), MBB (-5,4%)...
Các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index tuần qua là VHM, GAS và BID khi lấy đi của chỉ số lần lượt 6,44, 2,68 và 2,27 điểm. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số là SAB, EIB và TPB khi đóng góp lần lượt 0,81, 0,33 và 0,31 điểm tăng.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, diễn biến thị trường trong tuần tới sẽ chịu sự ảnh hưởng chi phối từ kết quả của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung dự kiến sẽ được công bố vào cuối tuần này. Ngoài ra, thứ 5 (16/5) tới là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng nên diễn biến của các cổ phiếu bluechips trong rổ VN30 sẽ biến động tương đối khó lường.
Trong kịch bản tích cực, thị trường có thể hồi phục và bước vào nhịp tăng điểm ngắn từ vùng hỗ trợ 940-950 điểm trong tuần tới. Dù vậy, đà hồi phục của thị trường (nếu có) dự kiến cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trước áp lực bán ròng của khối ngoại.
KMR (CTCP Mirae) là cổ phiếu tăng giá ấn tượng nhất tuần nhờ 5 phiên tăng trần liên tiếp, tiếp theo là VPK (CTCP Bao bì dầu thực vật) với mức tăng 22% từ 3.200 đồng lên 3.900 đồng. Ở chiều ngược lại, VHG là cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất khi giảm sàn 5 phiên trong tuần.
Sáng 7/5, hơn 1,4 tỉ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines chính thức niêm yết trên sàn HOSE và giao dịch với giá tham chiếu 40.600 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức vốn hóa hơn 56.800 tỉ đồng. Kết phiên 10/5, cổ phiếu HVN giảm 3,7% so với giá chào sàn, còn 39.100 đồng/cp.
Trên HOSE, khối ngoại bán ròng với giá trị ròng 480,95 tỉ đồng tương ứng với khối lượng ròng 14,61 triệu cổ phiếu. Xét theo khối lượng ròng, mã bị bán ròng nhiều nhất là FLC (CTCP Tập đoàn FLC) với 4,3 triệu cổ phiếu, tiếp theo là DXG (CTCP Tập đoàn Đất Xanh)với 4 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, E1VFVN30 được mua ròng nhiều nhất với 3,1 triệu cổ phiếu.
VC2 (CTCP Xây dựng số 2) là cổ phiếu tăng mạnh nhất với mức tăng 28% từ 14.000 đồng lên 17.900 đồng, tiếp theo là DTD (CTCP Đầu tư phát triển Thành Đạt) với mức tăng 28% từ 10.100 đồng lên 12.900 đồng. Ở chiều ngược lại, DCS (CTCP Tập đoàn Đại Châu) là cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất tuần với 25% từ 800 đồng xuống 600 đồng.
Trên HNX, khối ngoại bán ròng với giá trị ròng 67,9 tỉ đồng tương ứng với khối lượng ròng 4,43 triệu cổ phiếu. Xét theo khối lượng ròng, cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là PVS (CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) với 2,9 triệu cổ phiếu, tiếp theo là IVS (CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam) với 798 nghìn cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, VGC (Tổng Công ty Viglacera - CTCP) là mã được mua ròng nhiều nhất với 963 nghìn cổ phiếu.