|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thị trường PC toàn cầu năm 2022: Doanh số các thương hiệu lớn lao dốc, chỉ duy nhất Apple 'ngược dòng'

17:09 | 12/01/2023
Chia sẻ
Theo dữ liệu về thị trường PC toàn cầu được IDC công bố, top 5 thương hiệu lớn nhất về doanh thu năm 2022 gồm Lenovo, HP, Dell, Apple và ASUS. Trong số này, chỉ duy nhất Apple chứng kiến doanh số tăng trưởng, trong khi 4 thương hiệu còn lại đều ghi nhận doanh số giảm so với năm 2021.

Doanh số bán PC truyền thống trên toàn cầu đã giảm xuống dưới mức mong đợi trong quý IV/2022 khi chỉ có 67,2 triệu PC đã được xuất xưởng, giảm 28,1% so với cùng kỳ năm trước, theo kết quả sơ bộ từ Worldwide Quarterly Personal Computing Device Tracker của International Data Corporation (IDC).

Theo dữ liệu từ IDC, doanh số bán PC trong quý IV/2022 tương đương so với quý IV/2018, thời điểm thị trường bị hạn chế bởi những thách thức về nguồn cung của Intel.

Đáng nói, quý IV thường là thời điểm diễn ra mùa mua sắm lễ hội nhộn nhịp nhất trong năm, song thị trường PC nói riêng và sản phẩm công nghệ nói chung đã gặp khó trong quý cuối năm 2022 khi nền kinh tế toàn cầu đi xuống, ảnh hưởng tới tâm lý người mua và khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu cho các sản phẩm công nghệ.

Theo dữ liệu từ IDC, Lenovo dẫn đầu thị trường PC toàn cầu về doanh số trong quý IV/2022 khi bán ra 15,5 triệu chiếc, chiếm 23% thị phần, nhưng lại chứng kiến sự đi xuống so với cùng kỳ năm trước, thời điểm hãng bán được 21,6 triệu chiếc, chiếm 23,1% thị phần.

Đứng ở vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng là HP Inc. với doanh số đạt mức 13,2 triệu chiếc, giảm hơn 5 triệu chiếc so với cùng kỳ năm trước, và chiếm thị phần khoảng 19,6%.

Xếp ở các vị trí còn lại trong top 5 thương hiệu PC hàng đầu thế giới trong quý IV/2022 bao gồm Dell Technologies (10,8 triệu chiếc – 16,1% thị phần), Apple (7,5 triệu chiếc – 11,2% thị phần) và ASUS (4,8 triệu chiếc – 7,2% thị phần).

Top 5 nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới xét theo doanh số trong năm 2022. (Nguồn: IDC).

Xét rộng ra, Lenovo cũng là thương hiệu dẫn đầu thị trường PC cả năm 2022 khi đạt doanh số 68 triệu chiếc, giảm so với mức 81,8 triệu chiếc trong năm 2021, chiếm 23,3% thị phần toàn cầu.

Các vị trí còn lại trong top 5 thương hiệu PC hàng đầu thế giới năm 2022 bao gồm HP Inc. (55,3 triệu chiếc – 18,9% thị phần), Dell Technologies (49,8 triệu chiếc – 17% thị phần), Apple (28,6 triệu chiếc – 9,8% thị phần) và ASUS (20,6 triệu chiếc – 7% thị phần).

Trong số 5 nhà sản xuất PC hàng đầu thế giới xét theo doanh thu trong năm 2022, chỉ duy nhất Apple chứng kiến doanh thu tăng lên so với năm 2021. Cụ thể, “táo khuyết” bán ra 28,6 triệu PC trong cả năm 2022, cao hơn mức 27,9 triệu PC trong cả năm 2021. Ngược lại, cả 4 nhà sản xuất còn lại, bao gồm Lenovo, đều chứng kiến doanh số năm 2022 đi xuống so với năm trước.

Thị trường có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2023

Sự thật là giai đoạn bùng nổi với thị trường PC trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đã qua, nhưng bất chấp sự sụt giảm trong thời gian gần đây, doanh số bán PC hàng năm cho cả năm 2022 vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, đạt mức 292,3 triệu chiếc.

Tuy nhiên, vấn đề về nhu cầu vẫn là một mối lo ngại đối với thị trường PC toàn cầu trong thời gian tới vì hầu hết người dùng đều sở hữu các loại PC tương đối mới nên chu kỳ thay thế chưa diễn ra, cũng như nền kinh tế toàn cầu ngày càng xấu đi.

Jitesh Ubrani, giám đốc nghiên cứu Mobility and Consumer Device Trackers của IDC cho biết: "Giá bán trung bình (ASP) trên nhiều kênh bán hàng đối với các sản phẩm PC cũng giảm do lượng hàng tồn kho dư thừa trong vài tháng qua đã buộc các bên bán hàng tung ra những đợt khuyến mãi để thúc đẩy nhu cầu mua hàng.

Bất chấp những nỗ lực này, việc quản lý hàng tồn kho đối với thị trường PC đã hoàn thiện cũng như các thành phần khác của PC vẫn sẽ vẫn là một vấn đề quan trọng đối với tất cả bên liên quan trong vài quý tới và có khả năng ảnh hưởng nhiều hơn đến ASP của thị trường PC".

Hoạt động từ phía các nhà cung cấp cũng cho thấy nhiều đơn vị lớn đang bước vào năm 2023 với triển vọng thận trọng hơn, nhưng họ cũng có sự đồng thuận về việc thị trường PC có thể phục hồi trở lại vào giai đoạn cuối năm 2023 trước khi đạt mức tăng trưởng trong năm tiếp theo.

Một số yếu tố thương mại trên thị trường PC cũng có thể tạo ra lực đẩy, giúp thị trường phục hồi và tăng trưởng trong những quý tiếp theo, bao gồm việc các gói hỗ trợ Windows 10 sắp hết hạn hay chu kỳ làm mới sản phẩm.

Ryan Reith, phó chủ tịch Worldwide Mobility and Consumer Device Trackers của IDC cho biết: “Những quý lao dốc liên tiếp rõ ràng vẽ nên một bức tranh ảm đạm về thị trường PC, nhưng đây thực sự là vấn đề về nhận thức. Năm 2021, thị trường PC đã gần tiệm cận mức doanh số bán hàng kỷ lục, vì vậy bất kỳ sự so sánh nào cũng sẽ bị bóp méo.

Không nghi ngờ gì khi chúng ta nhìn lại vào thời điểm này rằng sự lên xuống của thị trường PC sẽ là một trong những kỷ lục, nhưng còn rất nhiều cơ hội vẫn còn ở phía trước. Chúng tôi tin chắc rằng thị trường có tiềm năng phục hồi vào năm 2024 và chúng tôi cũng nhìn thấy nhiều cơ hội trong suốt thời gian còn lại của năm 2023”.

Anh Nguyễn