Thị trường ngoại hối hôm nay (4/6): Chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra, đồng USD còn 'điêu đứng' đến đó
Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay
Hôm nay (4/6), vào lúc 16h41 giờ Việt Nam có 2/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm, 6 cặp tăng điểm và 2 cặp còn lại đứng giá.
Tỉ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: Investing.com)
Trong khi đó, cặp USD/CHF tăng cao nhất với mức tăng 0,16% và cặp NZD/USD giảm nhiều nhất với mức giảm 0,4%.
Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ (Nguồn: Investing.com)
Còn nằm trong vòng xoáy tranh chấp thương mại, đồng USD khó phục hồi
Theo Reuters, đồng USD đã ghi nhận mức thấp nhất trong ba tuần so với rổ tiền tệ vào hôm nay do kì vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất gây áp lực lên lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Cùng lúc đó, những lo ngại thường trực về triển vọng tăng trưởng toàn cầu tiếp tục thúc đẩy nhà đầu tư trú ẩn vào đồng yen Nhật (JPY), một loại tài sản có độ an toàn cao.
Lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ (kì hạn 10 năm) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017 trong đêm qua sau khi Chủ tịch Fed khu vực St. Louis James Bullard cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể cắt giảm lãi suất sớm do lạm phát yếu và rủi ro tăng trưởng kinh tế vì căng thẳng thương mại toàn cầu.
Đồng JPY là loại tiền tệ hưởng lợi nhiều nhất. Vào lúc 4h02 sáng (8h02 GMT), nó đã gần mức cao nhất trong 4 tháng so với đồng USD là 108.
Chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chính đang bị đồng JPY đè nặng.
Vào lúc 17h07, chỉ số này đã tăng lên mức 97,192 sau khi chạm mức thấp nhất trong ba tuần là 96,917 vào đêm qua, theo Bloomberg.
"Chừng nào đồng USD còn là trung tâm của cuộc xung đột thương mại, lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ sẽ tiếp tục giảm do lo ngại về hiệu quả kinh tế và mong muốn cắt giảm lãi suất của thị trường. Hiện tại, không có lí lẽ tích cực nào để hỗ trợ cho đồng USD", nhà phân tích Antje Praefcke của Commerzbank cho hay.
Các chiến lược gia khác cũng đồng loạt bày tỏ thái độ bi quan về đồng USD, theo đó lập luận việc cắt giảm lãi suất sẽ không tác động nhiều đến đồng tiền tệ này. Đồng thời, họ lưu ý rằng nếu tăng trưởng toàn cầu xấu đi, đồng USD sẽ hưởng lợi từ nhu cầu trú ẩn vào tài sản có độ an toàn của nhà đầu tư.
Mối quan hệ chặt chẽ của châu Âu với Trung Quốc khiến đồng EUR dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nhất
Nhờ sự suy yếu của đồng USD, đồng EUR đã tăng 0,2% lên mức 1,1261.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp vào ngày 6/5 và giới đầu tư cũng đang chờ đợi buổi công bố dữ liệu lạm phát của khu vực EU vào lúc 9h GMT. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn bày tỏ thái độ thận trọng về triển vọng của khối này.
"Trong mối quan hệ chặt chẽ của khu vực đồng EUR với nền kinh tế Trung Quốc, đồng tiền chung của Liên minh châu Âu là một trong những loại tiền tệ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi suy thoái kinh tế tại Trung Quốc. Rủi ro này cũng liên quan mật thiết với chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới", ông Junichi Ishikawa, chiến lược gia FX cao cấp tại IG Securities (có trụ sở tại Tokyo), cho hay.
Ở những nơi khác, đồng AUD ít thay đổi sau khi Ngân hàng Dự trữ Australia cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỉ lục là 1,25%, đúng như kì vọng của các thành phần tham gia thị trường.
Đồng GBP cũng không có nhiều biến động, ghi nhận ở mức 1,2656. Con số này đã cải thiện đáng kể từ mức thấp nhất trong 5 tháng đạt được vào hôm 31/5 là 1,2560.
Đồng GBP đã rơi vào thảm cảnh khi Thủ tướng Theresa May từ chức vì không thể đạt được thỏa thuận Brexit với Liên minh châu Âu.