|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này (3/6 - 7/6): Giới đầu tư tiếp tục trú ẩn vào tài sản có độ an toàn cao vì bất ổn thương mại Mỹ - Trung

10:45 | 03/06/2019
Chia sẻ
Trong tuần này, giới đầu tư đang hướng đến báo cáo việc làm tháng 5 của Mỹ cũng như cập nhật chính sách tiền tệ từ loạt ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm tìm kiếm dấu hiệu tích cực trên thị trường khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang tiếp tục làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu.
Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này (3/6 - 7/6): Giới đầu tư tiếp tục trú ẩn vào tài sản có độ an toàn cao vì bất ổn thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Đồng JPY đã ghi nhận mức tăng cao nhất trong 4 tháng so với đồng USD vào hôm 31/5, sau khi Tổng thống Trump đe dọa áp thuế quan lên toàn bộ hàng hóa Mexico, khiến thị trường tài chính Mexico rung lắc và dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.

Triển vọng thị trường ngoại hối tuần 3/6 - 7/6

Loạt ngân hàng trung ương trên thế giới cũng sẽ cập nhập chính sách tiền tệ, trong đó có Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Bên cạnh đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump viếng thăm cấp nhà nước đến Anh cũng là điểm đáng chú ý trong tuần này.

Đồng yen Nhật (JPY) đã ghi nhận mức tăng cao nhất trong 4 tháng so với đồng USD vào hôm 31/5, sau khi Tổng thống Trump đe dọa áp thuế quan lên toàn bộ hàng hóa Mexico, khiến thị trường tài chính Mexico rung lắc và dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.

Ông Trump tuyên bố vào hôm 30/5 rằng Mỹ sẽ áp thuế quan đối với hàng hóa Mexico, bắt đầu ở mức 5% và tiếp tục tăng cao cho đến khi vấn nạn trên chấm dứt.

Đồng MXN (peso) của Mexico đã giảm mạnh 3,4% so với đồng bạc xanh, đánh dấu ngày tuột dốc thê thảm nhất kể từ tháng 10/2018.

Thuế quan bất ngờ ông Trump áp lên hàng nhập khẩu từ Mexico khiến đồng MXN thua lỗ năng nề và điều này vô hình trung làm đồng JPY mạnh lên, ông Marc Chandler, chiến lược gia trưởng tại Bannockburn Global Forex LLC, cho hay.

Một số đồng tiền tệ khác cũng đóng vai trò là nơi trú ẩn an toàn trong cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung, tuy nhiên đồng JPY vẫn luôn nằm trong nhóm mạnh nhất trong năm nay. Vào thời điểm đồng JPY đạt đỉnh so với đồng USD, các nhà đầu tư dường như đã đổ xô mua đồng tiền Nhật Bản.

Đồng CHF (franc) của Thụy Sĩ cũng lôi kéo không ít nhà đầu tư mua vào, nhờ đó tăng 0,67% ở mức 1,0006 - gần mức cao nhất so với đồng USD kể từ ngày 10/4.

Tác động của căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang bắt đầu xuất hiện trong dữ liệu kinh tế, với việc chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc giảm hơn dự kiến và lời đe dọa áp thuế quan mới của ông Trump thúc đẩy thị trường trú ẩn vào các tài sản có độ an toàn cao như trái phiếu chính phủ và đồng JPY.

Đồng USD là một tài sản có độ an toàn cao trong thời gian gần đây, tuy nhiên, vào hôm 31/5 nó đã giảm 0,39% so với rổ tiền tệ và lơ lửng dưới mức cao nhất trong hai năm đạt được vào tuần trước đó. Trong tháng 5, chỉ số USD Index đã tăng 0,4% và là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số này tăng.

"Có thể sắp xuất hiện biến động lớn với đồng USD", ông Jack McIntyre, nhà quản lí danh mục đầu tư tại Brandywine Global, cho biết.

Mức giảm của đồng USD vào hôm 31/5 còn bị ảnh hưởng bởi ý kiến bình luận từ các nhà hoạch định chính sách cấp cao, với việc Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Richard Clarida hôm 30/5 đã thảo luận về khả năng cắt giảm lãi suất nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới xấu đi, mặc dù ông nhận định kinh tế Mỹ "đang trong tình trạng tốt".

Dữ liệu của chính phủ Mỹ vào hôm 31/5 cho thấy lạm phát đã gia tăng ở mức độ khiêm tốn vào tháng 4, trong khi một báo cáo riêng chỉ ra hoạt động sản xuất ở khu vựcTrung Tây mạnh mẽ vượt dự đoán vào tháng 5.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần 3/6 - 7/6

Ngày

Các thông tin công bố

Thứ Hai (3/6)

- Trung Quốc công bố chỉ số Caixin PMI thuộc lĩnh vực sản xuất (tháng 5)
- Anh công bố chỉ số PMI sản xuất (tháng 5)
- Mỹ công bố chỉ số ISM PMI thuộc lĩnh vực sản xuất (tháng 5)
- Thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) Bullard phát biểu

Thứ Ba (4/6)

- Ausstralia công bố doanh số bán lẻ (tháng 4)
- Ngân hàng Dự trữ Australia quyết định lãi suất
- Liên minh châu Âu (EU) công bố chỉ số CPI (tháng 5)

- Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu

- Mỹ công bố dữ liệu đơn đặt hàng tại nhà máy (tháng 4)

Thứ Tư (5/6)

- Australia công bố GDP (quí I)

- Trung Quốc công bố chỉ số Caixin PMI thuộc lĩnh vực dịch vụ (tháng 5)

- Anh công bố chỉ số PMI dịch vụ (tháng 5)

- Mỹ công bố bảng lương nhân sự phi nông nghiệp ADP (tháng 5)

- Mỹ công bố chỉ số ISM PMI không thuộc lĩnh vực sản xuất (tháng 5)

- Thành viên FOMC Clarida phát biểu

- Thành viên FOMC Bostic phát biểu

Thứ Năm (6/6)

- Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Carney phát biểu

- ECB họp và tổ chức họp báo

- Mỹ công bố số liệu lao động thất nghiệp

- Thành viên FOMC William phát biểu

Thứ Sáu (7/6)

- Thị trường ngoại hối Trung Quốc nghỉ lễ

- Canada công bố báo cáo việc làm (tháng 5)

- Mỹ công bố bảng lương nhân sự phi nông nghiệp (tháng 5)

Yên Khê