Thị trường ngoại hối hôm nay 2/1: Thương chiến Mỹ - Trung hạ nhiệt góp phần khiến đồng USD xuống giá
Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay
Hôm nay (2/1), vào lúc 15h39 giờ Việt Nam có 6/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 4 cặp còn lại tăng điểm.
Trong đó, cặp EUR/GBP tăng cao nhất với mức tăng 0,31% và cặp GBP/USD giảm mạnh nhất với mức giảm 0,3%.
Triển vọng tăng trưởng toàn cầu tích cực, thương chiến hạ nhiệt cùng khiến đồng USD suy yếu
Theo Reuters, dấu hiệu cho thấy tiến bộ trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đã làm suy yếu đồng USD trong gần hết tháng 12.
Chính sự dịu lại của thương chiến đã khiến chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ chính giảm 1,9% trong tháng cuối cùng của năm 2019. Chỉ số trên chỉ mới tăng nhẹ trong phiên giao dịch hôm nay lên mức 96,546 điểm.
Sau khi tăng 1,8% trong tháng 12 để chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 8, đồng euro (EUR) đang giao dịch quanh ngưỡng 1,1215 USD đổi một EUR. Cặp tỷ giá EUR/USD dường như đang cố tìm cách vượt qua mức đỉnh 1,1249 USD đổi một EUR đạt được hồi đầu tháng 8 kể trên.
Đồng bạc xanh lại tiếp tục giảm giá so với đồng nhân dân tệ (CNY) sau khi giảm 1% vào tháng trước. Trong khi đó cặp USD/CNY giao dịch quanh 6,963 CNY đổi một USD.
Trong khi đó, cặp USD/JPY được ghi nhận dao động quanh mức 108,4 JPY đổi một USD.
"Triển vọng tăng trưởng toàn cầu tích cực hơn và thanh khoản USD dồi dào đang làm suy yếu chính đồng bạc xanh", ông Elias Haddad, chiến lược gia tiền tệ cao cấp tại Commonwealth Bank of Australia, cho hay.
"Đặc biệt, triển vọng còn đáng khích lệ hơn khi chính sách tài khóa/tiền tệ sẽ được thiết lập phù hợp với tình hình năm 2020 và sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc đang dần ổn định lại", ông nói thêm.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm 1/1/2020 đã tiến hành cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với hệ thống ngân hàng thương mại, đồng thời bơm 800 tỉ nhân dân tệ (tương đương 114,91 tỉ USD) để củng cố nền kinh tế.
Chỉ số PMI Caixin tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc, công bố hôm nay, cũng cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục mở rộng trong tháng 12. Ngoài ra, niềm tin doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng tăng cao vì căng thẳng thương mại hạ nhiệt.
Đồng USD đã được hưởng lợi từ ưu thế kinh tế vượt trội của nước Mỹ trong gần hết năm 2019, tuy nhiên thương chiến giảm nhiệt đã thúc đẩy niềm tin lạc quan rằng năm 2020 sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia khác.
Mặc dù giao dịch còn thưa thớt trong phiên hôm nay, nhà đầu tư vẫn tập trung theo dõi để tránh "sự cố chớp nhoáng" từng diễn ra vào tháng 1 năm ngoái, khi hoạt động bán tháo quét qua thị trường vốn đang kém thanh khoản ngay trong kì nghỉ lễ.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại điều tương tự có thể xảy ra trong tuần này khi mà thị trường Tokyo đóng cửa, nhà đầu tư bán lẻ Nhật Bản một lần nữa lại thiếu đồng yen (JPY) và
Tuy nhiên, không giống năm ngoái, các cơ quan chính phủ Nhật Bản đang cảnh giác trước những chuyển động như vậy.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ngăn chặn đợt siết chặt thanh khoản trên thị trường cho vay cuối năm, khiến lãi suất repo giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2018.