Thống đốc Lê Minh Hưng: Tăng trưởng tín dụng đạt trên 13,7%, dự trữ ngoại hối đạt kỉ lục xấp xỉ 80 tỉ USD
Sáng nay (2/1), tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã diễn ra Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020 với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành.
Trong bài phát biểu khai mạc, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã khái quát các thành tựu nổi bật của ngành Ngân hàng trong năm 2019.
Thống đốc cho biết trong năm 2019, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lí, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát cơ bản bình quân ở mức 2,01%, CPI bình quân cả năm ở mức thấp nhất trong 3 năm qua.
Về điều hành lãi suất, kết quả sau các động thái của NHNN, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2-0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm. Các TCTD có thị phần lớn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, áp dụng chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp với nhiều đợt cắt giảm trong năm 2019.
Đáng chú ý, trong bối cảnh chịu áp lực từ biến động thị trường quốc tế, NHNN đã điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều chỉnh tỷ giá mua/bán ngoại tệ với các TCTD bám sát diễn biến thị trường.
Nhờ đó, tỷ giá và thị trường diễn biến ổn định, thanh khoản dồi dào; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Và quan trọng nhất qua đó NHNN đã tăng được một lượng dự trữ ngoại hối rất lớn, cao kỉ lục từ trước đến nay.
"Báo cáo với Thủ tướng cho đến nay chúng ta chính thức đã có 79,9 tỉ USD, xấp xỉ 80 tỉ USD. Đây là một tấm đệm cho quốc gia để bảo vệ an ninh tài chính quốc gia, phòng ngừa những tác động bên ngoài.
Đây là yếu tố then chốt để củng cố lòng tin của nhà đầu tư trong đó có các nhà đầu tư của nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp vào năng lực thực tế của chính phủ và của NHTW để ổn định được nền tảng vĩ mô trong đó có tỷ giá và thị trường ngoại tệ", Thống đốc chia sẻ.
Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được NHNN đặc biệt quan tâm. NHNN đã liên tiếp 4 năm liền xếp vị trí số 1 về cải cách hành chính trong các Bộ, cơ quan ngang bộ. Chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp hạng 25/190 nền kinh tế, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (chỉ sau Brunei - hạng 1/190).
Với việc triển khai các giải pháp quyết liệt trên, ngành ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân.
Tăng trưởng tín dụng đạt trên 13,7%
Đến cuối năm 2019, tín dụng tăng khoảng trên 13,7% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lí.
Ước đến 31/12/2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 11% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 16%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%.
Hệ thống xử lí được 10.500 tỉ đồng nợ xấu mỗi tháng
Kết quả xử lí nợ xấu trong ngành ngân hàng cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Tính đến tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%).
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống các TCTD ước tính đã xử lí được 1.064 nghìn tỉ đồng nợ xấu. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 12/2019, ước tính toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 305,7 nghìn tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt).
Như vậy, trung bình từ 15/8/2017 đến tháng 12/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lí được khoảng 10,5 nghìn tỉ đồng/tháng, cao hơn 4,9 nghìn tỉ đồng so với kết quả xử lí nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Kết quả ấn tượng từ lĩnh vực thanh toán
Trong lĩnh vực thanh toán, NHNN đã trình và triển khai Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox); Báo cáo cơ chế thí điểm quản lí hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) tại Việt Nam; Đề án thử nghiệm các mô hình thanh toán mới,..
Trong lĩnh vực thanh toán đã ứng dụng tất cả công nghệ mới trên thế giới (ATM, POS, Internet Banking, Mobile Banking, QR Code, Tokenization...), phục vụ hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm và thu được kết quả ấn tượng.
Cụ thể, đến cuối tháng 10/2019, đã có trên 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 47 tổ chức thực hiện qua điện thoại di động (ĐTDĐ).
Trong 10 tháng đầu năm 2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng tương ứng hơn 67% và trên 36%; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh ĐTDĐ tăng tương ứng 186% và 221% so với cùng kỳ năm 2018. Thanh toán qua QR Code tuy là hình thức thanh toán điện tử mới nhưng cũng đạt mức tăng trưởng khá.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/