Thị trường khó khăn, doanh thu tháng 4 của Sao Ta giảm 26%
CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 4/2023 với doanh số tiêu thụ đạt 14 triệu USD (330 tỷ đồng), giảm 26% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 4 tháng đầu năm, doanh thu tiêu thụ khoảng 57,2 triệu USD (1.351 tỷ đồng), giảm 26% so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong tháng 4, sản xuất tôm thành phẩm đạt 1.423 tấn giảm 13%, tiêu thụ tôm thành phẩm khoảng 1.174 tấn giảm 24% so với cùng kỳ. Về nông sản, sản xuất thành phẩm của công ty là 216 tấn giảm 7%, tiêu thụ nông sản thành phẩm là 93 tấn giảm 51% so với cùng kỳ.
Sao Ta cho biết, trong tháng 4, công ty bắt đầu thu hoạch tôm ở khu nuôi cũ 320 hecta. Khu mới hơn 200 hecta đang tiến trình làm ao, dự kiến cuối tháng 5 bắt đầu thả nuôi.
Đầu tháng 4, công ty đã có kiến nghị gửi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) gồm các nội dung như: kiểm soát con tôm giống; quy hoạch đất cho nuôi tôm; đầu tư cơ sở hạ tầng cho nuôi tôm; quan tâm giải pháp cân bằng phát thải; tăng cơ sở nuôi đạt tiêu chuẩn ASC đáp ứng các thị trường lớn.
Các kiến nghị của Sao Ta nêu ra đa phần là hướng đến quy trình nuôi tôm chuyên nghiệp, nhất là khi thị trường xuất khẩu ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Thị trường xuất khẩu tôm gặp khó
Mới đây, một doanh nghiệp xuất khẩu tôm là CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Mã: MPC) đã công bố BCTC quý I với lãi ròng âm 97 tỷ đồng trong bối cảnh lạm phát gia tăng và sự cạnh tranh gay gắt về giá tôm từ các quốc gia như Ecuador, Ấn Độ.
Theo VASEP, trong thời gian tới, ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra liên quan đến nguồn cung nguyên liệu từ chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vùng nuôi; tỷ lệ diện tích và sản lượng tôm nuôi theo tiêu chuẩn chứng nhận GAP, hữu cơ... còn thấp.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với VASEP và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam diễn ra ngày 13/4, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết hiện tại giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam cao hơn 30% so với Ấn Độ và cao hơn gấp đôi so với Ecuador đã làm con tôm Việt Nam mất sự cạnh tranh so với tôm các nước.
Ông Quang chỉ ra một số vấn đề tồn tại hiện nay đã làm cho ngành tôm Việt Nam giảm sức cạnh tranh so với các quốc gia nuôi tôm khác như Ấn Độ, Ecuador.
Theo đó, ngành tôm Việt Nam mất 10.000 tỷ đồng vì thói quen nuôi tôm có sử dụng kháng sinh của người dân. Chi phí này bao gồm tiền mà doanh nghiệp phải bỏ ra để kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến. Đây là khoảng chi phí không nhỏ và kéo dài hàng chục năm qua. Chi phí kiểm kháng sinh ở các nước nhập khẩu mà doanh nghiệp phải chịu và bị trừ vào giá bán.