|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường hàng hóa cuối năm sẽ có nhiều biến động?

20:56 | 10/09/2017
Chia sẻ
Dự báo của các chuyên gia, trong tháng 9 và những tháng tiếp theo, một số mặt hàng thiết yếu vẫn khá dồi dào nguồn cung và dự báo không có nhiều biến động.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhất là mưa bão thời gian qua tại một số địa phương trong cả nước đã ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn cung và giá một số mặt hàng thiết yếu.

Theo nhận định từ các chuyên gia, xu hướng này còn tiếp tục diễn ra nên cần chuẩn bị tốt nguồn hàng để phục vụ thị trường những tháng cuối năm.

thi truong hang hoa cuoi nam se co nhieu bien dong
Khách chọn mua hàng tại siêu thị BigC Đà Nẵng. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Thị trường nhiều biến động

Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường hàng hóa thế giới trong tháng 8 có một số biến động với nguyên nhân chủ yếu liên quan đến tỷ giá (đồng USD giảm, đồng rupee tăng giá).

Căng thẳng chính trị gia tăng tại bán đảo Triều Tiên cũng tác động tới giá nguyên nhiên liệu như: xăng dầu, sắt thép…, ảnh hưởng đến thị trường trong nước bởi đây đều là những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu khá nhiều để sản xuất hàng hóa.

Tại thị trường trong nước, trong tháng 8, mưa bão cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân nhiều địa phương trong cả nước khiến nhu cầu và giá một số mặt hàng lương thực thực phẩm như: rau quả, thịt lợn... tăng lên.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của giá thế giới, giá một số mặt hàng trong nước như: xăng dầu, gas, thép xây dựng... tăng cao.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8/2017 đạt 330.013 tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng 7, nhưng tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tính chung 8 tháng đầu năm 2017 tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt 2.580.168 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 9,3% của cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, các nhóm lương thực thực phẩm, may mặc, trang thiết bị dụng cụ gia đình… là những nhóm hỗ trợ cho mức tăng chung của tổng mức bán lẻ.

“Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 8 tháng đầu năm vẫn đạt mức 8,93%. Đây là mức tăng khá, cho thấy thị trường hàng hóa những tháng qua vẫn có sự tăng trưởng ổn định” - ông Nguyễn Lộc An nhấn mạnh.

Nhìn chung, thị trường hàng hóa trong tháng 8 không có biến động lớn, giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu như: nhiên liệu năng lượng, thực phẩm tương đối ổn định hoặc tăng nhẹ so với tháng trước.

Năm nay do lũ về sớm nên diện tích gieo trồng Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giảm so với năm trước, góp phần giúp người trồng có lãi, nhưng lại khiến giá rau màu tăng cao.

Cùng đó, các cửa hàng, hệ thống siêu thị, trung tâm thiết bị trường học ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng phong phú, mẫu mã đẹp với giá cả cạnh tranh còn đưa ra nhiều chương trình khuyến mại với khối lượng lớn trong năm học mới.

Ngoài ra, mặc dù còn gần một tháng nữa mới đến Tết Trung thu, nhưng các doanh nghiệp bánh kẹo đã bắt đầu sản xuất và tập trung vào 2 yếu tố chính là an toàn thực phẩm và sức khỏe cho người tiêu dùng.

Đặc biệt đối với thành phố Hồ Chí Minh, để tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt - trứng gia cầm chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và kinh doanh thịt - trứng gia cầm, kể từ ngày 1/9/2017, thành phố sẽ triển khai truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm trên địa bàn.

Chuẩn bị tốt nguồn cung

Dự báo của các chuyên gia, trong tháng 9 và những tháng tiếp theo, thị trường dự báo sẽ có những biến động do tình hình mưa bão.

Tuy nhiên, một số mặt hàng thiết yếu vẫn khá dồi dào nguồn cung và dự báo không có nhiều biến động.

Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, thị trường thép trong thời gian tới phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá cả thế giới.

Tuy nhiên, theo xu hướng đang diễn ra trên thị trường thế giới, từ nay đến cuối năm, giá thép sẽ không tăng đột biến, gây ảnh hưởng đến giá trong nước.

Bên cạnh đó, do chuẩn bị tốt nguồn hàng trong nước nên nếu không có yếu tố đột biến, các doanh nghiệp thép cũng sẽ đảm bảo đáp ứng đủ cho nhu cầu nền kinh tế, không lo ngại thiếu hụt nguồn cung.

Còn theo ông Hà Hữu Phái - Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội Mía đường Việt Nam tại Hà Nội cho hay, nguồn cung đường trong nước hiện nay khá dồi dào do tồn kho trong các doanh nghiệp đường ở niên vụ trước vào khoảng 500.000 tấn.

thi truong hang hoa cuoi nam se co nhieu bien dong
Dự báo của các chuyên gia, trong tháng 9 và những tháng tiếp theo, thị trường dự báo sẽ có những biến động do tình hình mưa bão. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong đợt đấu giá vừa qua, các doanh nghiệp cũng đấu giá xong 89.500 tấn nên nguồn cung đường trong nước sẽ đảm bảo đủ cho các dịp như: Tết Trung thu, dịp Tết cuối năm…

Dù nguồn cung được dự báo khá dồi dào, nhưng theo các chuyên gia, để đảm bảo thị trường ổn định và không có biến động, các địa phương cần có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ kinh phí phòng chống thiên tai nhằm kịp thời cung cấp hàng hóa cho các vùng dân cư bị cô lập khi bị ngập lụt, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân.

Bên cạnh đó, vào dịp cuối năm, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng để phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng các dịp lễ Tết.

Vì vậy, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chuẩn bị nguồn hàng, chủ động nguồn cung, tránh tăng giá cục bộ.

Đặc biệt, các bộ, ngành cũng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành thị trường và giá cả các loại hàng hóa do Nhà nước quản lý, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội với công tác điều hành, bình ổn thị trường hàng hóa.

Bộ Công Thương cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường trong nước qua đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Theo đó, Bộ yêu cầu khẩn trương và tích cực tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh lớn của nền kinh tế.

Cùng đó, tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để có các phương án sản xuất kinh doanh tối ưu nhằm đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP.

Bên cạnh các lĩnh vực trong ngành khai khoáng như: dầu thô, than đá..., cần bám sát diễn biến của thị trường để có phản ứng chính sách cũng như điều tiết cụ thể trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, bảo đảm hiệu quả tối ưu và đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP.

Mặt khác, Bộ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí... để giúp các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả với các sản phẩm nhập khẩu cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu, qua đó tăng trưởng được sản lượng sản xuất.

Ngoài ra, rà soát, tăng cường kiểm soát và tập trung giải quyết các dự án tồn đọng, các dự án còn vướng mắc để sớm tái khởi động đưa vào khai thác sản xuất kinh doanh, phát huy nguồn lực đóng góp mạnh mẽ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

thi truong hang hoa cuoi nam se co nhieu bien dong Thị trường hàng hóa trong nước sẽ tăng giá cục bộ trong những tháng cuối năm

Trong tháng 8 và những tháng cuối năm, thị trường hàng hóa trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của mùa mưa bão gây ...

thi truong hang hoa cuoi nam se co nhieu bien dong Nhu cầu yếu, thị trường hàng hóa toàn cầu mất động lực phục hồi

Với đợt giảm giá dài nhất trong hơn một năm qua cùng nhu cầu nguyên liệu thô ngày càng suy yếu, tâm lý lạc quan ...

thi truong hang hoa cuoi nam se co nhieu bien dong Yếu tố nào sẽ chi phối thị trường hàng hóa Việt Nam năm 2017?

Thị trường hàng hóa Việt Nam năm 2017 sẽ được hỗ trợ bởi xu hướng phục hồi của giá cả trên thị trường hàng hóa ...

Uyên Hương