Nhu cầu yếu, thị trường hàng hóa toàn cầu mất động lực phục hồi
Ảnh minh họa |
Thị trường hàng hóa toàn cầu quay lại chu kỳ giảm
Năm 2016, thị trường hàng hóa ghi nhận năm tăng giá đầu tiên sau chuỗi 5 năm giảm liên tiếp.
Tuy nhiên sang đến năm 2017, mọi chuyện lại trở về như cũ, giá cả mọi hàng hóa, từ dầu thô, kẽm cho tới đường, đậu nành bắt đầu giảm mạnh trở lại. Triển vọng đối với thị trường nguyên liệu dành cho ngành công nghiệp như, quặng sắt và than, thậm chí còn tồi tệ hơn khi kinh tế Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới, tăng trưởng trì trệ, khiến tồn kho hàng hóa lên cao.
Kết quả là, Chỉ số Hàng hóa Bloomberg giảm 3 tháng liên tiếp, ghi nhận đợt giảm dài nhất trong hơn một năm qua.
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ nhiều nguyên liệu thô vẫn rất lớn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nguồn cung hạn hẹp, vốn là hai yếu tố hỗ trợ cho thị trường hàng hóa năm 2016, đang suy yếu, ngân hàng Macquarie nhận định.
Hiện tại, tồn kho dầu toàn cầu còn rất lớn, đến nỗi Hiệp hội các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh buộc phải gia hạn cam kết giảm sản lượng dầu thêm 9 tháng nữa, tới hết quý I/2018.
Tương tự, dự trữ ngũ cốc toàn cầu trước vụ thu hoạch năm 2017 cũng lên cao chưa từng thấy; chỉ số giá trên Sàn Giao dịch Kim loại London theo đó phải hứng chịu đợt mạnh nhất kể từ năm 2015.
“Bạn có thể thấy rõ dấu hiệu suy yếu trong nhiều khâu của chuỗi cung ứng,” ông Colin Hamilton, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Macquarie nhận định.
Một số nhà đầu từ đang đánh cược rằng, giá hàng hóa sẽ chạm đỉnh dù hoạt động công nghiệp tại Trung Quốc đang tăng trưởng chậm chạp, với chỉ số PMI Caixin giảm lần đầu tiên kể từ đầu năm vào tháng 5. Tháng 4, nhập khẩu sản phẩm đồng tinh luyện của Trung Quốc giảm mạnh nhất 6 năm và xuống thấp nhất kể từ tháng 10/2016.
Giá mọi hàng hóa đều giảm, từ quặng sắt...
Quặng sắt là một trong những hàng hóa giảm giá mạnh nhất trong vài tháng gần đây. Theo giới chuyên gia phân tích của Macquarie, quặng sắt hiện đã qua chu kỳ tăng giá đỉnh điểm.
Quặng sắt từng tăng tới 81% trong năm 2016 và chạm đỉnh 2 năm ở 94,86 USD/tấn vào tháng 2 khi Trung Quốc tăng cường mua tích trữ và nới lỏng chính sách kinh tế.
Tuy nhiên từ sau đó, giá quặng sắt bắt đầu giảm trở lại, mất tới 39% xuống thấp nhất kể từ tháng 10/2016 ở 55,97 USD/tấn vào ngày 1/6, theo số liệu của Metal Bulletin.
Macquarie dự báo, giá quặng sắt sẽ tiếp tục giảm về trung bình 50 USD/tấn trong 6 tháng cuối năm nay. Sang năm 2018, giá sẽ vẫn giảm sâu về 47 USD/tấn vì Trung Quốc thắt chặt hoạt động cho vay đối với lĩnh vực công nghiệp để kiềm chế nợ.
“Trung Quốc đang thắt chặt chính sách và đó chưa bao giờ là tín hiệu tích cực đối với thị trường hàng hóa,” ông Hamilton nói.
Cho tới đồng
Macquarie cho biết, nhu cầu tiêu thụ đồng của Trung Quốc dù mạnh mẽ nhưng cũng không thể giải phóng hết được số tồn kho được tích trữ vào năm ngoái. Các doanh nghiệp sản xuất đồng thậm chí sắp phải đối mặt với thách thức mới khi nhu cầu tiêu thụ đồng trong một số lĩnh vực, như bất động sản, sẽ suy yếu trong nửa sau của năm 2017.
Theo đó, Macquarie dự báo giá đồng trung bình sẽ giảm về 5.600 USD/tấn trong quý IV, từ 5,619 USD/tấn ghi nhận được trong ngày 2/6.
Giá đồng giảm có hai mặt trái chiều, một mặt chứng tỏ giới đầu tư không còn tin tưởng nhiều vào triển vọng phục hồi của ngành sản xuất; mặt khác cho thấy lo ngại về nguồn cung sau thời kỳ gián đoạn sản xuất hồi đầu năm đã được xoa dịu phần nào, ông Ole Hansen, trưởng phòng chiến lượng tại ngân hàng Saxo nhận định.
Nên đầu tư vào đâu?
Không phải mọi hàng hóa đều mang triển vọng u ám.
Macquarie khuyến khích giới đầu tư mua kim loại quý, như vàng hay bạc, vốn là những kim loại đang trên đà tăng giá. Giới đầu tư cũng có thể chọn những loại hàng hóa mà nguồn cung có thể gặp gián đoạn vì Trung Quốc hạn chế sản xuất để bảo vệ môi trường, như nhôm, nhôm oxit và thép không gỉ.
Theo dự báo của Macquarie, giá các loại hàng hóa đang có nguồn cung dồi dào sẽ tiếp tục giảm giá, từ than dùng để luyện kim tới mangan. Macquarie cho rằng nên chuyển qua đầu tư vào các kim loại, như kẽm, urani và thiếc, vì cung thiếu sẽ giúp bù lại cầu yếu.
Ông Hansen cũng cho rằng, đầu tư vào kim loại quý sẽ vẫn có lời vì tốc độ tăng lãi suất tại Mỹ vẫn khá chậm chạp trong bối cảnh áp lực lạm phát suy yếu. Trong tuần kết thúc vào ngày 23/5, các quỹ đầu tư đã dồn vốn mạnh vào vàng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2007.